Tăng cường năng lực quản lý để ứng phó với tính phức tạp của sàn giao dịch các-bon
Bộ Tài chính Việt Nam lắng nghe kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các-bon.
Chiều 22/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP, UNOPS) tổ chức Hội thảo khởi động và chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam”.

Bà Tô Nguyễn Cẩm Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khai mạc hội thảo.
Vận hành chính thức thị trường các-bon từ năm 2029
Phát biểu khai mạc, bà Tô Nguyễn Cẩm Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, để tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và thực thi.
Bộ Tài chính được giao làm cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan để thành lập thị trường các-bon trong nước.
Trong quá trình xây dựng Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam cũng như dự thảo Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước, với vai trò là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác và tổ chức quốc tế đã đồng hành trong thời gian qua. Một trong những đối tác quan trọng là Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thông qua Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS).
Bà Cẩm Anh nhấn mạnh, thông qua hội thảo, Bộ Tài chính mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức xây dựng và triển khai sàn giao dịch các-bon khả thi, hiệu quả.
Chia sẻ tại hội thảo về lộ trình triển khai thị trường các-bon và sàn giao dịch các-bon, ông Đỗ Thanh Lâm – Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam dự kiến thí điểm thị trường các-bon toàn quốc từ năm 2025 đến 2028. Trong giai đoạn này, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu và xem xét phân bổ miễn phí; tín chỉ các-bon được xác nhận giao dịch trên sàn.
Các tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước; cơ chế phát triển sạch (CDM); cơ chế tín chỉ chung (JCM) và cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Tỷ lệ tín chỉ các-bon sử dụng để bù trừ phát thải khí nhà kính do Chính phủ quy định.
Thị trường các-bon dự kiến vận hành chính thức trên toàn quốc từ năm 2029. Khi đó, Việt Nam sẽ mở rộng các lĩnh vực, cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải; các loại tín chỉ các-bon được giao dịch trên sàn; chủ thể tham gia giao dịch. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ miễn phí và qua đấu giá. Tỷ lệ tín chỉ các-bon sử dụng để bù trừ phát thải trên tổng số hạn ngạch phát thải được phân bổ cho cơ sở do Chính phủ quy định.

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của nhiều chuyên gia quốc tế.
Ưu tiên hoàn thiện khung pháp lý
Để chuẩn bị cho lộ trình này, việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là quan trọng nhất. Chính phủ Việt Nam sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về quản lý tín chỉ các-bon, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch, chủ thể tham gia thị trường; xây dựng Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước; xây dựng quy định và tổ chức đánh giá, công nhận chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho từng giai đoạn và hàng năm.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức, vận hành sàn giao dịch các-bon của bang California (Hoa Kỳ), Vương quốc Anh và Trung Quốc, đồng thời khuyến nghị một số điểm có thể áp dụng tại Việt Nam.
Ông Michael Mehling – Chuyên gia Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên tăng cường năng lực quản lý để đối phó với tính phức tạp của hệ thống và đảm bảo sự tham gia hiệu quả, có hiểu biết của các bên liên quan. Việc xây dựng chiến lược triển khai hệ thống giao dịch phát thải (ETS) theo lộ trình, bắt đầu bằng giai đoạn thí điểm và mở rộng dần theo từng ngành, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn đầu.
Đồng thời, phát triển hệ thống đăng ký phát thải và hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ sẽ tăng cường tính minh bạch, nâng cao khả năng tuân thủ và tạo tiền đề cho việc kết nối thị trường trong tương lai. Việc lồng ghép các cơ chế linh hoạt như tích lũy, vay mượn hoặc sử dụng tín chỉ bù trừ sẽ đa dạng hóa lựa chọn tuân thủ và nâng cao hiệu quả chi phí. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành như Tài chính, Môi trường và Công Thương là yếu tố then chốt nhằm đơn giản hóa quy trình ra quyết định. Bên cạnh đó, định hướng chiến lược phù hợp với các thị trường quốc tế và khả năng liên kết trong tương lai sẽ góp phần nâng cao uy tín, thu hút đầu tư và gia tăng tham vọng khí hậu của quốc gia.
Ông Jonh Robert Cotton – Phó Giám đốc Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhận định, Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam” sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam, phù hợp với các thỏa thuận quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời xây dựng nền tảng cho năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.