Bộ Tài chính coi trọng luân chuyển, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ mới
Thời gian qua, Bộ Tài chính đặc biệt coi trọng thực hiện việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo và quản lý. Công tác luân chuyển cán bộ đã khắc phục tình trạng hụt hẫng đối với nguồn cán bộ lãnh đạo thay thế, ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ mới.
Khâu đột phá trong công tác cán bộ
Thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo và quản lý, Ban Cán sự Đảng bộ Tài chính xác định rõ mục tiêu của công tác luân chuyển là khâu đột phá trong công tác cán bộ, nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Người đứng đầu đơn vị phải phối hợp với cấp ủy để làm tốt công tác tư tưởng, nêu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của nơi đi và nơi đến. Đồng thời theo dõi, giúp đỡ và tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị ổn định, phát triển, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Điều động, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo đủ điều kiện, đúng đối tượng
Trong giai đoạn 2021 - 2023, công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của các tổng cục thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện được 32.799 lượt công chức, viên chức. Trong đó, năm 2021 là 8.870; năm 2022 là 12.538 lượt và năm 2023 là 11.391 lượt. Công chức, viên chức được luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo đủ điều kiện, đúng đối tượng theo quy định và chấp hành nghiêm quyết định điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cấp có thẩm quyền.
Bộ Tài chính đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị liên quan đến công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác. Đáng chú ý, ngày 30/8/2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về việc đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức Bộ Tài chính. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Tài chính về vấn đề này.
Việc triển khai công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đãm bảo sự ổn định, kế thừa, đào tạo và phát triển của đội ngũ công chức, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan đơn vị, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, khoa học, hợp lý và phát huy trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, người đứng đầu đơn vị.
Công chức, viên chức được luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo đủ điều kiện, đúng đối tượng theo quy định và chấp hành nghiêm quyết định điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cấp có thẩm quyền.
Hàng chục nghìn công chức, viên chức luân chuyển công tác
Theo thống kê, trong giai đoạn 2021 - 2023 công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của các tổng cục thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện được 32.799 lượt công chức, viên chức. Trong đó năm 2021 là 8.870 lượt; năm 2022 là 12.538 lượt và năm 2023 là 11.391 lượt. Đây là một sự cố gắng nỗ lực lớn của Bộ Tài chính.
Đối với bố trí cấp trưởng ngành không phải là người địa phương theo quy định, tính đến ngày 1/5/2024, Tổng cục Hải quan đã bố trí được 29/35 (đạt tỷ lệ 82,8%) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố không phải là người địa phương. Tổng cục Thuế đã bố trí được 44/63 (đạt tỷ lệ 69,8%) Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố không phải là người địa phương; Kho bạc Nhà nước đã bố trí được 38/63 (đạt tỷ lệ 60,3%) Giám đốc Kho bạc tỉnh, thành phố không phải là người địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể là những vấn đề liên quan đến quy định chế độ chính sách, xây dựng kế hoạch luân chuyển, bố trí sau luân chuyển, nhận thức của các cấp ủy về công tác luân chuyển còn hạn chế…, chưa có sự “liên thông chéo” trong toàn ngành Tài chính.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức ngành Tài chính, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến quán triệt nghị quyết của Đảng quy định của Nhà nước và Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng cho toàn thể đảng viên, công chức, viên chức trong ngành Tài chính về công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác.
Trong đó, xác định rõ, luân chuyển cán bộ là việc phân công hoặc bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc yêu cầu của chức danh được quy hoạch; luân chuyển không có nghĩa phải là để được đề bạt lên chức vụ cao hơn. Việc luân chuyển cán bộ là một nội dung, một khâu quan trọng, thường xuyên trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực. Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, đánh giá, nhận xét cán bộ luân chuyển và xây dựng chính sách, chế độ phù hợp nhằm tạo điều kiện, môi trường cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ…
"Lửa thử vàng"
Công tác cán bộ là khâu then chốt. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn.
Trên thực tế, việc luân chuyển cán bộ góp phần khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín, đảm bảo nguồn cán bộ cho những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, có khó khăn. Qua đó đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng để thực thi công vụ, đồng thời năng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trong thời gian tới.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, công tác luân chuyển, điều động cán bộ cần tăng cường bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa cơ quan Bộ Tài chính với các tổng cục, giữa các tổng cục với nhau, giữa các cục tỉnh, thành phố với cơ quan Bộ và các tổng cục; gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác quy hoạch cán bộ với luân chuyển cán bộ; giữa luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn với tăng cường cán bộ cho những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, có khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín. Bên cạnh đó, tiếp tục giải quyết hài hòa giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ tại các đơn vị của ngành Tài chính; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài.
Đối với cán bộ luân chuyển, cần quán triệt sâu sắc quan điểm luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, thử thách, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, không phải quan niệm là để lên chức vụ cao hơn. Đồng thời, phải thực sự cầu thị, khiêm tốn, tích cực học hỏi, nâng cao ý thức phấn đấu, rèn luyện, gắn bó mật thiết với địa phương, cơ quan, đơn vị nơi luân chuyển đến. Cán bộ luân chuyển phải đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, sức khỏe và thời gian công tác theo quy định…