Bộ Tài chính đề xuất gia hạn chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
Đến 31/12/2023 sẽ hết hạn chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường dành cho xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị kéo dài chính sách này đến hết năm 2024.
Đến hết 31/12/2023, quy định giảm thuế bảo vệ môi trường dành cho xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 sẽ hết hạn
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xin ý kiến đối với dự án nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2024.
Theo cơ quan này, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Vì vậy, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng đã hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho phép giảm thuế môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực tới 31/12/2023. Chi tiết như sau:
Chính sách này sẽ hết hạn vào cuối năm nay, từ ngày 1/1/2024, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại thực hiện theo Nghị quyết số 579 năm 2018 của UBTVQH.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Từ đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng mức giảm thuế này cho năm 2024 như quy định tại Nghị quyết số 30 và áp dụng từ ngày 01/01/2024.
Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 600 đồng/lít.
Cơ quan này nhận định, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương 2023 và với mức thuế bảo vệ môi trường như đề xuất thì số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 38.929 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần giảm thuế VAT) giảm khoảng 42.822 tỷ đồng.
Mặc dù tác động làm giảm thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính cho rằng, việc ban hành các chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn lại mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ tiếp tục góp phần làm giảm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng dầu và giảm các chi phí gián tiếp từ việc tiêu dùng các sản phẩm khác.
Đồng thời, góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt.
Trước đó, ngày 29/9, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng trong năm 2024.
Chiều 5/10, tại buổi họp báo định kỳ quý III/2023 của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế và phí, lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang đánh giá, tổng thể việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ trên trong thời gian qua để có cơ sở đề xuất.
Theo Bộ Tài chính, tổng quy mô các giải pháp miễn giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã thực hiện trong năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là khoảng 196.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75.000 tỷ đồng.