Bộ Tài chính dự kiến giảm hơn 3.300 biên chế vào năm 2026

Năm 2024, Bộ Tài chính đã thực hiện giảm 679 biên chế so với 2023, dự kiến đến năm 2026 sẽ giảm 3.342 biên chế, tương đương 5% so với năm 2022.

Chiều 31/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thủ tướng dự hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính năm 2025.

Thủ tướng dự hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính năm 2025.

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục phát sinh nhiều bất ổn, khó khăn, thách thức lớn ngoài dự báo. Mặc dù vậy trong nước nền kinh tế vẫn phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít nước đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Thu NSNN vượt dự toán, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát thấp hơn mục tiêu; thị trường tài chính, chứng khoán phát triển; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút vốn đầu tư.

Kết quả, số thu NSNN năm 2024 tăng hơn 19,1% so với dự toán được giao; tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 114,4% dự toán. Tỉ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP.

Nhờ đó, Bộ Tài chính đã cán đích nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trước 2 tháng và kết thúc năm 2024 đạt kết quả ấn tượng với số thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, đạt 2,02 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng cầu tiêu dùng còn phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, mưa bão, sạt lở đất nghiêm trọng diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại lớn về hạ tầng kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Về sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, Bộ Tài chính đã chủ động, tập trung chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng và ban hành kế hoạch để triển khai, thực hiện.

Bộ Tài chính đã thực hiện giao biên chế công chức cho các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ năm 2024 và giai đoạn 2024-2026. Trong đó, năm 2024 giảm 679 biên chế so với năm 2023, năm 2026 giảm 3.342 biên chế so với biên chế được giao năm 2022, tương đương giảm 5% biên chế công chức so với năm 2022.

Các lãnh đạo điều hành Hội nghị tổng kết công tác tài chính – NSNN năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Các lãnh đạo điều hành Hội nghị tổng kết công tác tài chính – NSNN năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Bộ Tài chính xác định năm 2025 là năm đặc biệt, năm cuối cùng triển khai thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 và thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy theo Kết luận 09 của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực được dự báo sẽ còn phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát, tỉ giá gia tăng

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%; kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4,5%.

Dự toán thu NSNN là 1,97 triệu tỷ đồng; trong đó thu nội địa chiếm 84,8%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,9%. Dự toán chi NSNN là 2,5 triệu tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 31%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 60,9%.

Bội chi NSNN là 471.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP. Vay trả nợ gốc là 363.600 tỷ đồng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Tài chính xác định các giải pháp chủ yếu như tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Cùng với đó, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, trong đó chú trọng nguồn đầu tư hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, kết nối vùng và liên vùng.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-tai-chinh-du-kien-giam-hon-3300-bien-che-vao-nam-2026-20424123115392204.htm