Bộ Tài chính sửa quy định về giao dịch liên kết, điều băn khoăn còn bỏ ngỏ

Việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định để ngân hàng không phải là bên có quan hệ liên kết với doanh nghiệp được chuyên gia đánh giá là phù hợp. Song, vẫn còn quy định cần sửa đổi để tạo dư địa cho doanh nghiệp lớn lên.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo lần 2 Nghị định Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Điểm d, khoản 2, điều 5 quy định: “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”.

Tại dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã đồng ý sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 điều 5, theo đó loại trừ việc xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng. Đây là thay đổi đáng chú ý tại dự thảo.

Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ảnh: Hoàng Hà

Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ảnh: Hoàng Hà

Từng góp ý nên loại trừ việc xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp tổ chức tín dụng, chia sẻ với PV. VietNamNet về lần sửa đổi này, ông Chung Thành Tiến, Chi hội Kế toán Hiểu đúng - Làm đúng (Hội Kế toán TP.HCM) bày tỏ sự đồng tình.

“Ngân hàng không phải là bên có quan hệ liên kết với doanh nghiệp - đây là điều không phải bàn cãi. Ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, còn doanh nghiệp tìm đến ngân hàng để có được những khoản vay”, ông Tiến khẳng định.

Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ đề cập đến việc sửa đổi điểm d, khoản 2, điều 5. Trong khi, nhiều doanh nghiệp đề xuất nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ từ 30% hiện hành lên 50%, nhưng dự thảo sửa đổi Nghị định 132 chưa đề cập đến.

Quy định về khống chế chi phí lãi vay bắt nguồn từ Chương trình Hành động số 4 trong tổng số 15 Chương trình Hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đây được xem là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng lạm dụng vốn mỏng, lạm dụng tài trợ vốn/tài trợ tài chính nội bộ giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia với mục đích tránh thuế.

Ông Chung Thành Tiến cho rằng: OECD đưa ra mức 30%, nhưng xét trên cơ sở đó, Bộ Tài chính vẫn đang đặt doanh nghiệp Việt Nam ngang tầm với doanh nghiệp tại các nước G20. Các nước G20 là những quốc gia có nền kinh tế vững chãi, doanh nghiệp khỏe mạnh, nên họ đầu tư không cần vay vốn nhiều.

Còn doanh nghiệp Việt Nam đang "chạy ăn từng ngày", vẫn còn phải dùng đòn bẩy tài chính để có vốn đầu tư kinh doanh. Họ chấp nhận rủi ro rất lớn là cầm cố tài sản đi vay mượn để có tiền làm ăn. Như vậy, phần chi phí vay này họ muốn được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Mục tiêu của chính sách là hạn chế tình trạng vốn mỏng, nhưng doanh nghiệp Việt hiếm có doanh nghiệp đạt vốn dày. Muốn doanh nghiệp dày vốn, phải tạo điều kiện để họ đầu tư sản xuất kinh doanh, dần dần sẽ phát triển lên.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh mới, họ muốn có được sản phẩm ra thị trường thì cần vay vốn. Họ cần có thời gian để nghiên cứu, phát triển, 3-5 năm chưa chắc đã ra được sản phẩm. Trong giai đoạn đó, toàn bộ chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (không được vốn hóa) bị loại trừ hết khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì tiền đâu để họ đầu tư tiếp? Do đó, quy định khống chế ở mức 30% này không khuyến khích được doanh nghiệp nhỏ lớn lên”, ông Tiến phân tích.

Mặc dù quy định này cũng có tác dụng ngăn chặn tình trạng "tay không bắt giặc", nhưng theo chuyên gia, doanh nghiệp không có tiền nên mới phải đi vay. Cho nên, cơ quan quản lý nên chọn cách quản lý khác, không nên đặt ra mức giới hạn chi phí vay vì như vậy sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

“Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu nới mức trần lên để doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Theo tôi, Bộ Tài chính nên bỏ hẳn mức khống chế này vì không cần thiết. Nếu doanh nghiệp làm ăn có lời, họ sẽ tăng cường nộp thuế cho ngân sách. Không nhất thiết phải chặn ngay từ đầu như vậy”, ông Chung Thành Tiến góp ý.

Một chuyên gia kế toán đánh giá: Những năm trước đây, mức khống chế 30% được xem là hợp lý trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ổn định ở mức trung bình thấp. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến giữa năm 2023, mức lãi suất cho vay bình quân liên tục được giữ ở mức cao, dao động từ 8%-10,7%, khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp bị vượt mức khống chế 30%.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả EBITDA (chỉ số phản ánh thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) rất thấp, thậm chí có nhiều trường hợp EBITDA âm. Do đó, phần lớn chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh “khó chồng khó”.

Do đó, việc nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay từ 30% lên mức cao hơn, chẳng hạn 50% EBITDA để phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính và có thêm cơ hội tái đầu tư.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-tai-chinh-sua-quy-dinh-ve-giao-dich-lien-ket-dieu-ban-khoan-con-bo-ngo-2292465.html