Bộ Tài chính: Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng

Để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng…

Theo đó, công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính đã có những chuyển biến tích cực, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng tiêu cực, lãng phí, đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Cắt giảm thủ tục hành chính, hiện đại hóa nghiệp vụ

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, để ngăn chặn các hành vi tham nhũng trong hoạt động quản lý tài chính ngân sách và quản lý nội ngành, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của mình. Đồng thời tăng cường hoàn thiện các quy chế đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), mua sắm, sử dụng tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chi tiêu nội bộ.

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính đã nghiêm túc thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn theo đúng các quy định của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính. Theo đó, tính từ ngày 1/8/2021 đến 31/7/2022, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 9.922 người tại cơ quan Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương

Để công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đạt được hiệu quả cao, ngoài việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) tại các khâu nghiệp vụ, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện và hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc đơn vị mình quản lý kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và tổ chức tiếp nhận bản kê khai. Các đơn vị có hệ thống dọc như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành văn bản kịp thời chỉ đạo triển khai công tác kê khai tài sản, thu nhập trong toàn hệ thống.

Đánh giá về công tác PCTN của Bộ Tài chính, ông Trần Huy Trường cho biết, trong thời gian qua, công tác PCTN của Bộ Tài chính đã có những chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, đã thu được những kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Hiệu lực, hiệu quả PCTN của Bộ Tài chính đã có chuyển biến theo hướng tích cực hơn như số vụ việc tham nhũng và số lượng đối tượng có hành vi tham nhũng được phát hiện giảm so với kỳ trước.

Quyết tâm đẩy lùi tệ nạn tham nhũng

Nhằm nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh PCTN, khắc phục những hạn chế yếu kém để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các quy định về PCTN, Bộ Tài chính sẽ thực hiện hiệu quả kiểm soát tài sản, thu nhập và các quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập, giải trình thu nhập bất minh. Xác minh, làm rõ, xử lý kịp thời đối với những cán bộ, công chức có hành vi liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Kiến nghị nộp ngân sách trên 9.855 tỷ đồng từ thanh, kiểm tra chuyên ngành

Từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/7/2022, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 1.242 cuộc kiểm tra nội bộ, phát hiện số tiền sai phạm trên 101 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi trên 20,8 tỷ đồng; kiến nghị khác trên 57,7 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 75.622 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 1.166.085 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu, bắt giữ 13.886 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính trên 50 nghìn tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện kiến nghị nộp ngân sách nhà nước trên 9.855 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng kinh phí NSNN.

Cùng với đó, Bộ Tài chính chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, PCTN. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao… Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong quản lý cán bộ.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-tung-buoc-ngan-chan-day-lui-cac-hanh-vi-tham-nhung-110979-110979.html