Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến FCBDM năm 2022
Trong 2 ngày 16-17/3/2022, Đoàn Bộ Tài chính Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM) năm 2022 do Thái Lan chủ trì, theo hình thức trực tuyến.
Tham dự hội nghị gồm có đại diện lãnh đạo cơ quan tài chính và ngân hàng trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WBG), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Cùng tham dự hội nghị có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính Việt Nam.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Hội nghị trực tuyến FCBDM năm 2022, sáng ngày 16/3/2022. Ảnh: Đức Minh
Hội nghị đã thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và của các thành viên APEC. Hội nghị đã ghi nhận sự phục hồi kinh tế và quá trình mở cửa nền kinh tế đang diễn ra trên toàn khu vực. Đây là hội nghị của quá trình chuyển tiếp đối với các nền kinh tế thành viên APEC trong quá trình ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Hội nghị đã ghi nhận sáng kiến ưu tiên hợp tác về tài chính bền vững và số hóa cho nền kinh tế số do Thái Lan đề xuất nhằm giúp các nền kinh tế trong khu vực hướng tới sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế mở, cân bằng và kết nối.
Đa số các nền kinh tế APEC đã đạt được một số thành tựu về phục hồi kinh tế thông qua việc ban hành các chính sách hiệu quả, bền vững và bao trùm hướng tới các đối tượng bị tác động lớn bởi đại dịch như người dân và doanh nghiệp.
Trong khoảng hai năm tới, chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Covid-19 sẽ tiếp tục được các nền kinh tế áp dụng, có cân nhắc tính thận thận trọng nhằm đảm bảo mục tiêu dài hạn về ổn định hệ thống tài chính; đồng thời thông qua các chính sách này, nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh và mạnh mẽ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà phát biểu tại điểm cầu Việt Nam. Ảnh: Đức Minh
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà đã thông tin về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với các giải pháp chủ yếu về tài khóa và tiền tệ nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 6,5% - 7% trong giai đoạn 2022 - 2025; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Theo đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục tập trung vào miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế; hỗ trợ lãi suất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; cho vay ưu đãi, hỗ trợ việc làm; bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm cụ thể hóa mục tiêu của chương trình.
Về lâu dài, chính sách tài chính, chính sách thuế hướng tới tạo nguồn thu ổn định, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời tạo sự chủ động của ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ thực hiện chính sách phát triển xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chuyển đổi số trong nền kinh tế.
"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ rà soát các luật thuế để đảm bảo nguồn thu ổn định, bền vững, đổi mới quản lý ngân sách nhà nước để tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Về lâu dài, chúng tôi sẽ thực hiện chính sách chuyển đổi năng lượng sạch và tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới tài chính xanh và bền vững" - Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu.
Theo Thứ trưởng, các ưu tiên hợp tác của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính năm nay về bền vững tài chính và số hóa cho nền kinh tế số sẽ đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững và toàn diện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hậu đại dịch Covid-19. "Chúng tôi sẽ tiếp tục là thành viên có trách nhiệm của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC" - Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh./.