Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 2025, đề xuất phấn đấu mức 8,3 - 8,5%

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 16/7 về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ trọng tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng, trong đó kiến nghị Chính phủ ưu tiên thực hiện kịch bản tăng trưởng cao hơn nhằm tạo đà cho năm 2026.

Kịch bản 1 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8%, tương ứng với mức tăng trưởng quý III là 8,3% và quý IV là 8,5%, sát với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP. Dự kiến quy mô GDP đạt khoảng trên 508 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2025 của kịch bản này gồm: tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 108 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 12% trở lên, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trên 16%, và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giữ ở mức 4,5–5%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kịch bản 2 – được Bộ Tài chính đề xuất triển khai – hướng đến tăng trưởng 8,3–8,5% cho cả năm 2025. Trong đó, quý III cần đạt mức tăng 8,9–9,2% và quý IV đạt 9,1–9,5%, cao hơn từ 0,6–1,1 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở. Quy mô GDP theo kịch bản này khoảng 510 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 5.020 USD.

Theo tính toán, để đạt được kịch bản này, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng cuối năm cần đạt khoảng 111 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 13% trở lên; xuất nhập khẩu tăng từ 17%; và CPI vẫn duy trì ở mức 4,5–5%.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, cùng với tiêu dùng và xuất khẩu, đầu tư tiếp tục là động lực then chốt, với dư địa lớn để thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm. Đặc biệt, thúc đẩy đầu tư hiệu quả sẽ hình thành năng lực sản xuất mới, tạo nền tảng giúp tăng trưởng năm 2026 đạt trên 10%.

Tương ứng với hai kịch bản, Bộ cũng dự kiến tăng trưởng cụ thể cho các địa phương, tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước. Các địa phương được khuyến nghị nâng mục tiêu so với Nghị quyết 25/NQ-CP. Cụ thể: Hà Nội và TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 8,5% (cao hơn 0,5 và 0,4 điểm phần trăm), Quảng Ninh 12,5% (tăng 1 điểm phần trăm), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5 điểm phần trăm). Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với kế hoạch đầu năm.

Về giải pháp cụ thể, Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện đầy đủ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ – trong đó có Nghị quyết số 192/2025/QH15, 154/NQ-CP, 205/NQ-CP và các phiên họp thường kỳ.

Trong lĩnh vực đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 và phần vốn bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2024 (khoảng 152,7 nghìn tỷ đồng). Riêng trong 6 tháng cuối năm, vốn đầu tư công cần giải ngân khoảng 28 tỷ USD (tương đương 700 nghìn tỷ đồng).

Đầu tư tư nhân được kỳ vọng đạt 60 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng 8%. Vốn FDI đăng ký dự kiến 18,5 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 16 tỷ USD, cùng với các nguồn đầu tư khác đạt khoảng 7 tỷ USD.

Để thúc đẩy khu vực tư nhân, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách theo Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

Về điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước được đề xuất linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (dự kiến 16% trong năm 2025), đồng thời triển khai hiệu quả gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số và gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người trẻ dưới 35 tuổi.

Bộ cũng nhấn mạnh vai trò của công tác xúc tiến đầu tư, tháo gỡ thủ tục, hỗ trợ các dự án lớn, đặc biệt trong lĩnh vực FDI. Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch giải ngân vốn cụ thể theo tháng, kịp thời xử lý vướng mắc, phấn đấu giải ngân 60% vốn đầu tư công đến hết quý III, và 100% kế hoạch năm 2025.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc hoàn thành kịch bản tăng trưởng cao không chỉ là nhiệm vụ của riêng năm 2025 mà còn là bước đệm quan trọng để đưa tăng trưởng năm 2026 vươn lên mốc 10% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế giai đoạn tới.

N.H

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/bo-tai-chinh-xay-dung-2-kich-ban-tang-truong-2025-de-xuat-phan-dau-muc-83-85-146954.html