Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa đổi Luật Khoáng sản
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản năm 2010 là cần thiết.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Khoáng sản được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Luật Khoáng sản được ban hành và có hiệu lực là dấu mốc quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
Sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản, công tác điều tra cơ bản địa chất đạt những kết quả đáng kể, nhiều khu vực khoáng sản mới được phát hiện và đánh giá góp phần gia tăng tài nguyên, trữ lượng một số khoáng sản chủ yếu, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản đã đạt nhiều hiệu quả, góp phần đưa hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa đổi Luật Khoáng sản. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Khoáng sản 2010 có những nội dung bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cụ thể:
Thứ nhất, kể từ năm 2010 đến nay, trên tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quốc hội đã ban hành Luật Khoáng sản 2010... Tại Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định:
"Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Sự phát triển, bổ sung "tài nguyên khoáng sản", "tài nguyên thiên nhiên" trong Hiến pháp 2013 đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Khoáng sản 2010 theo hướng đảm bảo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản trên thực tế, tăng cường tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Thứ hai, sau hơn 10 năm thi hành Luật Khoáng sản, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, góp phần quan trọng trong việc định hướng cho quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên chưa có cơ chế quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất để đảm bảo tài nguyên địa chất, khoáng sản được quản lý tập trung, thống nhất. Điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản chưa đảm bảo tính toàn diện để đánh giá đầy đủ tài nguyên địa chất, khoáng sản và điều kiện địa chất khác đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn hạn chế nên nhận thức về vai trò, vị trí của ngành Địa chất trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước còn chưa đầy đủ, chưa tương xứng với những đóng góp của ngành Địa chất thời gian qua.
Cơ sở dữ liệu, thông tin điều tra cơ bản địa chất không thể thiếu để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành Địa chất còn hạn chế nên những đóng góp to lớn của Ngành cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gia qua chưa được ghi nhận và đánh giá đầy đủ.
Thứ ba, sau hơn 10 năm thi hành Luật Khoáng sản, ý thức của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được nâng cao thông qua việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao để thu hồi tối đa khoáng sản, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường.
Tuy nhiên, nội tại các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trong thực thi, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin về khoáng sản, khai thác khoáng sản, giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Cụ thể:
Nguồn thu ngân sách nhà nước từ khoáng sản chưa được quy định đầy đủ; một số thiệt hại liên quan đến công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa được lượng hóa dẫn đến việc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo quy định của Luật Khoáng sản thì đối với một số mỏ đã cấp phép từ những năm trước khi có Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản năm 1989 đến nay vẫn còn hiệu lực, tuy nhiên các thông số ghi trên giấy phép khai thác (đăng ký mỏ) không rõ ràng dẫn đến việc chấp hành của nhiều tổ chức, cá nhân còn nhiều bất cập.
Trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà, tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép. Trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản còn phức tạp, mất nhiều thời gian để thực thiện, trong khi đó chưa có quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đối với từng nhóm, loại khoáng sản, tổ chức, cá nhân được cấp phép cho phù hợp…
Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và tình hình hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản năm 2010 là cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản.
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau khi đi sâu vào đánh giá ưu điểm, hạn chế của các chính sách hiện hành trong Luật Khoáng sản năm 2010, các đơn vị được giao nhiệm vụ lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản đã đề xuất 4 chính sách mới (2 chính sách về địa chất, 2 chính sách về khoáng sản).
Cụ thể, các đơn vị đã đề xuất các chính sách về khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, thu hồi khoáng sản; khuyến khích khai thác khoáng sản, thu hồi khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm chú trọng bảo vệ môi trường và kinh tế tuần hoàn; cải cách thủ tục hành chính; chính sách đền bù thiệt hại khi khu vực hoạt động khoáng sản được công bố là khu vực cấm; chính sách tái đầu tư cho lĩnh vực khai thác khoáng sản...