Bỏ thuế khoán để tạo công bằng trong kinh doanh
Chủ trương bỏ thuế khoán của các hộ kinh doanh là vấn đề gây xôn xao dư luận vì nó ảnh hưởng tới hàng chục triệu con người. Trong đó, không ít người vì không nắm được thông tin chính xác, nên cho rằng vì bị buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khiến nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh đóng cửa hàng ngừng hoạt động. Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính đã có trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này.
“Đổ” cho chính sách thuế khiến tiểu thương ngừng hoạt động là “đánh bùn sang ao”
PV:Thưa ông, việc các tiểu thương đóng cửa hàng loạt vì cho rằng chính sách thuế mới, đặc biệt là quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đang “làm khó” họ. Vậy thực tế có phải do thuế hay còn vì lý do khác?
Ông Mai Sơn: Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, góp phần minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường kinh doanh hiện đại, lành mạnh, công bằng. Chủ trương này đã được ngành Thuế triển khai từ năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, với lộ trình phù hợp, có hỗ trợ, tạo điều kiện để người nộp thuế thích ứng.
Quy định hiện hành không bắt buộc tất cả hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2025, quy định này chỉ áp dụng với hộ kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 1 tỷ đồng trở lên; có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Đây là các hộ kinh doanh có quy mô ổn định, có địa điểm cố định, mà không phải các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lưu động như “buôn gánh bán bưng” hay tự phát.
Bởi vậy, các thông tin cho rằng chính sách thuế “làm khó” các hộ kinh doanh là chưa đúng. Chưa kể, thời gian qua, khi các cơ quan chức năng ra quân chống hàng giả, hàng nhái bảo vệ người tiêu dùng thì dẫn tới hiện tượng các tiểu thương cố tình đóng cửa để “né” kiểm tra. Việc “gắn” cho chính sách thuế dẫn tới tiểu thương phải đóng cửa là đang “đánh bùn sang ao”, gây những hiểu lầm không đáng có. Và chúng ta phải xác định đừng vì những thông tin sai lệch gây hiểu lầm cho những nỗ lực cải cách.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính.
PV: Có lẽ, một phần cũng vì người dân chưa nắm được hết các thông tin. Hơn nữa, nhiều hộ kinh doanh cho rằng việc bỏ thuế khoán sẽ khiến họ đóng thuế nhiều hơn hiện nay?
Ông Mai Sơn: Trên thực tế, hình thức thuế khoán đã không còn phù hợp vì quy mô hoạt động kinh doanh đã khác trước. Các hộ kinh doanh không chỉ buôn bán tại một địa điểm, họ hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, nhiều hộ còn có chuỗi cửa hàng, kinh doanh xuyên biên giới. Việc thu thuế khoán đang có nhiều hạn chế. Ngành Thuế đang hướng tới cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ kinh doanh kê khai và nộp thuế.
Khi đóng thuế theo hình thức khoán, các hộ kinh doanh khó có cơ hội hưởng ưu đãi thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp được hưởng. Bên cạnh đó, việc tính thuế trên doanh thu khoán, đặc biệt với những ngành hàng khác nhau và quy mô lớn, không phản ánh đúng thực tế lãi lỗ của hộ kinh doanh, gây ra sự thiếu công bằng. Vì vậy, cơ quan thuế luôn khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ để nhận hỗ trợ về chính sách từ cơ quan Nhà nước.
Nếu kinh doanh có lãi thì đóng góp cho ngân sách Nhà nước, ngược lại, họ không phải nộp. Song, thực tế cho thấy nhiều hộ kinh doanh vẫn còn e ngại do tâm lý muốn duy trì sự đơn giản trong hoạt động, dù nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, giúp người dân, hộ kinh doanh hiểu rõ hơn về lợi ích lâu dài và công bằng khi chuyển đổi.
Hiện nay, việc kê khai, nộp thuế được thực hiện theo theo nguyên tắc “người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm”, tuy nhiên một số người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, đại diện hộ kinh doanh người nộp thuế vẫn chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng trong việc chấp hành quy định pháp luật thuế và hóa đơn. Thực tế còn xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động phát sinh doanh thu nhưng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn nhưng không kê khai, không nộp thuế hoặc kê khai nhưng không đầy đủ…, gây thất thu ngân sách Nhà nước ở khu vực này.
Chống thất thu thuế nhưng không tạo gánh nặng cho hộ kinh doanh
PV: Thực tế, một số hộ kinh doanh bày tỏ lo ngại rằng nếu áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, toàn bộ doanh thu sẽ bị “lộ”, thậm chí có thể bị cơ quan thuế truy thu thuế phần doanh thu trước đây. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Ông Mai Sơn: Tôi hiểu những băn khoăn đó, về nguyên tắc, mức thuế khoán của hộ kinh doanh được xác định dựa trên tờ khai doanh thu hằng năm do chính hộ kinh doanh kê khai, kết hợp với dữ liệu quản lý của cơ quan thuế, và ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế phường/ xã.
Mặt khác, trong quá trình kinh doanh, nếu doanh thu có biến động tăng hoặc giảm, hộ kinh doanh hoàn toàn có quyền đề nghị điều chỉnh mức thuế cho phù hợp, cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán và cơ sở dữ liệu quản lý, nếu xác định doanh thu thay đổi từ 50% trở lên thì điều chỉnh mức thuế khoán cho hộ kinh doanh, và việc điều chỉnh đó chỉ áp dụng kể từ thời điểm doanh thu biến động.
Nếu sau đó, doanh thu tiếp tục giảm, hộ kinh doanh lại tiếp tục được quyền đề nghị điều chỉnh giảm thêm. Quy định này đã được pháp luật quy định rất rõ ràng và đang được thực hiện công khai, minh bạch. Vì vậy, việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không làm phát sinh truy thu thuế như một số lo ngại.
Không chỉ vậy, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hộ kinh doanh từng bước tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Thông qua việc kết nối, ghi nhận và truyền dữ liệu doanh thu theo thời gian thực, hộ kinh doanh hình thành thói quen quản lý minh bạch, từng bước tiếp cận các công cụ số như phần mềm bán hàng, thanh toán điện tử, từ đó nâng cao năng lực quản trị, mở rộng hoạt động và khả năng cạnh tranh của hộ kinh doanh trong nền kinh tế số.

Dự kiến phân hộ, cá nhân kinh doanh thành 4 nhóm theo doanh thu để quản lý thuế.
PV: Nên chăng, ngành Thuế cần sát sao hơn để vừa chuyển tải thông tin, vừa hỗ trợ người dân, thưa ông?
Ông Mai Sơn: Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn trong quá trình chuyển đổi và luôn lắng nghe, đồng hành cùng người nộp thuế. Ngành Thuế đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ miễn phí phần mềm, tập huấn, hướng dẫn sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm giảm chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho hộ kinh doanh trong quá trình thực hiện.
Cơ quan thuế khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng hộ, cá nhân kinh doanh với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ trong việc triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đảm bảo giải đáp kịp thời các vướng mắc, băn khoăn của cộng đồng hộ, cá nhân kinh doanh trong đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kê khai, nộp thuế và thực hiện các thủ tục hành chính.
Tại Hồ sơ lấy ý kiến Luật Quản lý thuế đang dự kiến sẽ phân hộ, cá nhân kinh doanh làm 4 nhóm để quản lý. Trong đó: Nhóm 1 dự kiến sẽ gồm các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế, tức dưới 200 triệu đồng/năm, áp dụng từ năm 2026. Nhóm 2 là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm. Theo đó, nhóm 1 và nhóm 2 được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử sau khi bỏ thuế khoán.
Nhóm 3 là các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu 1 - 3 tỷ đồng/năm và lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu 1 - 10 tỷ đồng/năm. Còn lại là nhóm 4, có doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Theo đó, nhóm 3 và nhóm 4 thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Trong đó, nhóm 3 dự kiến sẽ thực hiện chế độ kế toán đơn giản. Còn nhóm 4 dự kiến sẽ thực hiện các chế độ kế toán như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được quy định.
Ngoài ra, cơ quan thuế dự kiến đề xuất tăng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lên ít nhất gấp đôi mức 200 triệu đồng/năm; đồng thời sửa đổi tỷ lệ % thuế thu nhập cá nhân cho hộ, cá nhân kinh doanh phân biệt theo quy mô doanh thu; kiến nghị sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan nhằm hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh phát triển.
PV: Đây chắc sẽ là những thông tin mà nhiều người chờ đợi. Với việc chia nhóm để áp dụng cơ chế quản lý khác nhau sẽ tránh được sự thiếu công bằng với nhiều hộ kinh doanh?
Ông Mai Sơn: Các nội dung nêu trên mới chỉ là dự kiến, quá trình thực hiện từ nay đến năm 2026, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của người nộp thuế, các hiệp hội tư vấn thuế, ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Cục Thuế sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để báo cáo Bộ Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền quy định mức tỷ lệ/thuế suất cũng như phương pháp khai thuế phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số nhằm minh bạch công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Các nội dung này sẽ được thể hiện ở Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Mục tiêu là thu đúng, thu đủ, không tạo gánh nặng nhưng vẫn chống thất thu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định: “Việc bãi bỏ thuế khoán là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là bước đi căn cơ và cần thiết để minh bạch hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và mở rộng khu vực kinh tế chính thức”. Theo đó, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện khái niệm “hộ kinh doanh” trong bối cảnh mới, chuyển thành “cá nhân kinh doanh” để phù hợp với thông lệ quốc tế nội dung này sẽ được sửa đổi, bổ sung tại Luật Doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!