Tỷ giá USD/VND được dự báo 'hạ nhiệt' dần

Từ đầu năm đến nay, USD Index (DXY) - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh giảm 11%. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD lại tăng khoảng 3% trong cùng giai đoạn, có lúc giá bán ra ở mức đỉnh 26.345 đồng/USD.

Thị trường ngoại tệ tiếp tục ghi nhận biến động nhẹ

Ngày 13/7, thị trường ngoại tệ trong nước tiếp tục ghi nhận biến động nhẹ ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Nếu như HSBC tiếp tục giữ vị trí ngân hàng bán USD thấp nhất thị trường là 26.234 đồng/USD, thì SCB duy trì mức bán ra cao nhất là 26.370 đồng, trong bối cảnh USD quốc tế tăng mạnh.

Ở chiều mua vào, NCB niêm yết giá mua tiền mặt thấp nhất là 25.740 đồng/USD. Đối với hình thức chuyển khoản, mức thấp nhất ghi nhận tại VRB với 25.880 đồng/USD. Ngược lại, PGBank là ngân hàng mua tiền mặt USD với giá cao nhất là 26.000 đồng/USD, trong khi OCB dẫn đầu về giá mua chuyển khoản, đạt 26.010 đồng/USD.

Mặc dù chưa hết áp lực, song tỷ giá được dự báo “hạ nhiệt” về cuối năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện lộ trình cắt giảm lãi suất USD.

Mặc dù chưa hết áp lực, song tỷ giá được dự báo “hạ nhiệt” về cuối năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện lộ trình cắt giảm lãi suất USD.

Nhận định về diễn biến tỷ giá, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng, VND sẽ tiếp tục dao động ở vùng giá yếu trong biên độ giao dịch với USD đến hết quý III/2025. Tuy nhiên, từ quý IV/2025 trở đi, VND có thể bắt đầu phục hồi, hòa nhịp cùng xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền châu Á, khi bất ổn thương mại dần lắng dịu.

“Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ ‘hạ nhiệt’ dần, đạt mức 26.300 đồng/USD quý III/2025; 26.100 đồng/USD trong quý IV/2025; 25.900 đồng/USD vào quý I/2026 và 25.700 đồng/USD trong quý II/2026”, đại diện UOB dự báo.

Theo UOB, GDP của Việt Nam trong quý II/2025 đã phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa so với dự báo của Bloomberg là 6,85% và dự báo của UOB là 6,1%, cũng như so với mức đã điều chỉnh của quý 1/2025 là 7,05%. Trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi có số liệu từ năm 2011.

Mức tăng trưởng vượt trội của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy trước thời hạn áp thuế, đã tăng mạnh 14% so với cùng kỳ, trong bối cảnh tâm lý thị trường phục hồi sau khi Tổng thống Mỹ Trump rút lại tuyên bố áp thuế vào “Ngày Giải phóng” 2 tháng 4 và thay vào đó áp dụng mức thuế cơ bản đồng đều 10% đối với các đối tác thương mại trong vòng 90 ngày tiến hành đàm phán thuế

Diễn biến mới nhất trong đàm phán thương mại với Hoa Kỳ đang cho thấy, tín hiệu tích cực đối với Việt Nam, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ và 40% đối với hàng trung chuyển.

“Chúng tôi cho rằng giai đoạn căng thẳng nhất đã qua và dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025 sẽ ở mức vừa phải. Theo đó, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 thêm 0,9 điểm phần trăm, lên mức 6,9%”, đại diện UOB cho biết.

Tuy nhiên theo UOB, diễn biến trên thị trường ngoại hối cũng là một yếu tố quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét. Đồng Việt Nam (VND) là đồng tiền giảm giá mạnh nhất châu Á trong nửa đầu năm 2025, giảm 2,5% so với đồng USD. Ngược lại, các đồng tiền trong khu vực được hưởng lợi từ sự suy yếu của USD, với mức tăng dao động từ 12% đối với TWD đến 2,5% đối với CNH trong cùng thời điểm. Bên cạnh đó, kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nói chung có thể đã làm giảm áp lực phải nới lỏng chính sách. Do vậy, UOB kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được duy trì ở mức 4,50%.

VND giảm giá dù đồng USD yếu

Từ đầu năm đến nay, tiền VND mất giá gần 3% so với đầu năm dù USD - Index giảm mạnh do Việt Nam duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đề cập vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về lý thuyết, khi đồng USD mất giá so với các ngoại tệ khác, VND sẽ lên giá và tỷ giá sẽ giảm. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại, tỷ giá vẫn tăng khoảng 2,7% và dự báo cho cả năm 2025 có thể tăng ít nhất 5%. “Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện mỏng, chỉ vào khoảng 80 tỷ USD. Trong khi đó, mức bình quân 3 tháng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm là 105 tỷ USD. Điều này có nghĩa là dự trữ ngoại hối không đáp ứng đủ chuẩn mực quốc tế là 3 tháng nhập khẩu, một tiêu chuẩn quan trọng để bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng tăng, đẩy nhu cầu về ngoại tệ lên cao. Dù kinh tế có sự tăng trưởng tốt (trên 7% trong 6 tháng đầu năm), nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề thuế quan với Hoa Kỳ, làm giảm giá trị của đồng nội tệ.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN).

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN).

Nêu lý do USD yếu nhưng tiền đồng vẫn mất giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, NHNN đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp, khối ngoại bán ròng là lý do VND giảm giá dù đồng USD yếu.

Từ đầu năm đến nay, DXY giảm 11%. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD lại tăng khoảng 3% trong cùng giai đoạn, có lúc giá bán ra ở mức đỉnh 26.345 đồng/USD. Không chỉ mất giá so với USD, tỷ giá tiền đồng so với yen Nhật hay Bảng Anh cũng tăng.

Theo ông Phạm Chí Quang, DXY giảm do những thay đổi chính sách nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, tiền đồng mất giá còn do NHNN muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

"Khi duy trì mức lãi thấp, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD sẽ bị âm. Như vậy, cân đối cung cầu ngoại tệ biến động, các tổ chức sẽ chuyển đổi đồng tiền khác hấp dẫn hơn để nắm giữ", ông Phạm Chí Quang cho biết, thêm rằng cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định. Ngoài ra, theo NHNN, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn chứng khoán cũng gây ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Khối ngoại đã rút ròng khoảng 40.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay trên thị trường chứng khoán.

Dự báo tỷ giá và lãi suất những tháng cuối năm, ông Phạm Chí Quang cho rằng, Việt Nam có độ mở lớn, thị trường xuất khẩu rất lớn đặc biệt xuất khẩu sang Hoa Kỳ, vì vậy chính sách thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới khi dòng vốn có sự dịch chuyển giữa các quốc gia.

“Chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là điều đáng quan tâm, Fed đã trì hoãn giảm lãi suất 2 lần, do chính sách thuế của chính quyền Trump. Mặc dù lạm phát các nước châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm nhưng lạm phát ở Mỹ lại rất bấp bênh. Trong khi đó chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ là dựa trên các số liệu, đặc biệt là dữ liệu việc làm. Trong khi dữ liệu này lại đang có rất nhiều ẩn số”, ông Phạm Chí Quang cho biết.

Đại diện NHNN cho biết, đơn vị này cũng theo dõi sát các chỉ báo kinh tế trong nước. Dù nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhất định, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao, theo số liệu từ Bộ Tài chính. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP cần được đánh giá thận trọng và gắn với tính bền vững để tránh tạo áp lực lên chính sách tiền tệ.

Theo Phạm Chí Quang, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong nỗ lực đạt mức tăng trưởng kinh tế cho cả năm nay đang được hỗ trợ bởi mặt bằng lạm phát được kiểm soát. Phía NHNN dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được giữ dưới mức 4,5% như Quốc hội đã đề ra.

Trước biến động phức tạp, một số chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp nhập khẩu nên mua ngoại tệ kỳ hạn để giảm rủi ro tỷ giá và chủ động kế hoạch tài chính. Một giải pháp dài hạn hơn là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào hai thị trường lớn là Trung Quốc (nhập khẩu) và Hoa Kỳ (xuất khẩu).

Đề cập về giải pháp lâu dài, Phó Thống đốc NHNN, ông Phạm Thanh Hà cho biết thêm, khi cần thiết, NHNN sẽ can thiệp thị trường bằng cách bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để ổn định thanh khoản, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. NHNN cũng chủ động tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, giúp hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài và duy trì ổn định thị trường ngoại hối.

Minh Phương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ty-gia-usdvnd-duoc-du-bao-ha-nhiet-dan-20250713124824881.htm