Gần 1.000 cư dân Hadza sống quanh vùng núi Kidero, cạnh hồ Eyasi ở phía Bắc nước Tanzania, Đông Nam châu Phi là một trong những bộ tộc cổ xưa nhất thế giới. Ảnh minh họa.
Hàng ngày, đàn ông đi săn, tìm mật ong còn phụ nữ đào củ, hái trái cây. Ăn hết thức ăn, đàn ông lại tổ chức đi săn. Họ không thực hiện trao đổi, cũng như không tích trữ thứ gì.
Những người đàn ông Hadza luôn đi săn một mình. Sáng sớm, họ trèo lên ngọn cây để tìm thú. Một cậu bé khi mới 10 tuổi đã có thể tự cầm cây cung đi săn những con thỏ, sóc, chim… 80% lượng thức ăn của họ là từ rễ cây, hoa quả, 20% còn lại là từ thịt thú rừng và mật ong.
Người Hadza chỉ kiếm thức ăn cho qua ngày nhưng không hề nghĩ đến việc nhân giống hay bảo vệ nguồn thức ăn đó. Khi đào rễ cây, củ quả, họ không để lại một ít giống để chúng có thể mọc lên.
Khi lấy mật ong, họ cũng không khéo léo lấy mật để ong có thể trở lại và làm mật tiếp, thay vào đó là họ phá vỡ tổ ong, đuổi những con ong đi xa.
Người Hadza cũng không biết cách phơi khô, cất trữ thịt thú rừng, cuộc sống của họ chỉ biết đến hôm nay chứ không biết đến ngày mai.
Những cư dân bộ tộc này đến và đi bất cứ nơi nào họ muốn, tham gia vào bất cứ nhóm người Hadza nào mà họ gặp. Việc kết hôn cũng vô cùng đơn giản. Nếu cảm thấy hợp, họ sẽ về ở với nhau như vợ chồng và có thể chia tay bất cứ khi nào họ muốn để tìm đối tượng khác.
Nếu một cặp vợ chồng chung sống với nhau trên 20 năm, họ phải chuyển đến ở với mẹ vợ, ngược lại, vợ chồng nếu không ở gần nhau quá 2 tuần thì được coi như là chưa kết hôn.
Người Hadza không biết chữ viết, trẻ em không được đến trường, nghèo đói, bệnh tật là những mối nguy hiểm đe dọa sự tồn vong của bộ tộc này.
Mặc dù chính phủ Tanzanie đã cố gắng tìm cách bảo tồn bộ lạc này trước nguy cơ tuyệt chủng bằng cách truyền bá cuộc sống văn minh, tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại. Người Hadza không thèm để ý đến những ngôi nhà được xây kiên cố mà chỉ thích ở lều cỏ, không dùng bếp than hay bật lửa mà dành cả buổi để đánh đá lấy lửa.
Theo Khỏe & Đẹp