Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen giáo viên, sinh viên khuyết tật vượt khó
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm và sinh viên Vũ Thị Hải Anh.

Ngày 14/4, đại diện Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho cô Nguyễn Thị Minh Tâm.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm là giáo viên Toán Trường THPT Thiên Hộ Dương (tỉnh Đồng Tháp). Năm 2009, trong lúc đi vận động học sinh ra lớp, cô Tâm đã bị tai nạn cụt một chân. Khi đó, cô mới 23 tuổi và đang công tác tại một trường THPT thuộc vùng khó khăn của tỉnh Đồng Tháp.
Không bi quan với số phận, cô Tâm tiếp tục hoàn thành tốt công việc giảng dạy, đồng thời phấn đấu học tập nâng cao trình độ. Hiện cô là thạc sĩ chuyên ngành Toán và hoàn thành văn bằng hai Tiếng Anh.
Ngoài giảng dạy, cô tích cực tham gia nhiều hoạt động truyền cảm hứng trong cộng đồng: Tham gia chạy Marathon giúp người đồng cảnh, tổ chức mô hình bữa ăn tình nghĩa đến các hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ lâu dài cho trẻ mồ côi, tổ chức các hoạt động thể thao cho người khuyết tật…
Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Minh Tâm là người sáng lập quỹ học bổng Nhất Tâm. Trong 10 năm qua, Quỹ học bổng này đã vận động được 7 tỷ đồng giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân hiểm nghèo, người khuyết tật, tặng sách cho học sinh, sinh viên… Cô cũng đã đăng ký tham gia hiến tạng - một hoạt động truyền cảm hứng trong cộng đồng.
Với câu chuyện truyền cảm hứng của mình, cô Nguyễn Thị Minh Tâm được Đài Truyền hình Việt Nam chọn là nhân vật trong chương trình "Trạm yêu thương" phát sóng trên VTV1 vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 2025.
Xúc động khi nhận được Bằng khen Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cô Nguyễn Thị Minh Tâm gửi lời cảm ơn và khẳng định bản thân sẽ không ngừng rèn luyện, phấn đấu, nâng cao năng lực giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Em Vũ Thị Hải Anh nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Em Vũ Thị Hải Anh là sinh viên năm thứ hai ngành Quan hệ công chúng, Viện Đào tạo Báo chí truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hải Anh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Bố bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu; mẹ là công nhân tự do, sức khỏe yếu vì bị tai nạn lao động năm 2024.
Từ nhỏ, Hải Anh bị mắc bệnh đục thủy tinh thể và teo nhãn cầu, mất hoàn toàn thị giác. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt và học tập nhưng em luôn nỗ lực cố gắng vươn lên, điểm trung bình học tập năm học 2023 - 2024 đạt loại giỏi.
Ngoài học tập, Hải Anh còn tích cực tham gia các hoạt động: Tình nguyện viên của nhiều chương trình do nhà trường tổ chức, tham gia một số lớp tập huấn nâng cao kỹ năng mềm, phó chủ nhiệm mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam, sáng lập và quản lý dự án hành chính công trực tuyến đối với người khuyết tật Việt Nam…
Em cũng giành được nhiều thành tích, như: Đạt giải Đặc biệt viết thư UPU hạng mục dành cho học sinh khuyết tật; giải Nhất cuộc thi ảnh "Thật tự hào, tôi cùng bạn vượt rào" do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức; giải Khuyến khích cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; là một trong 10 cá nhân đạt giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2024 do Trung ương Đoàn đề cử và trao giải.
Hiện nay, Hải Anh tiếp tục phấn đấu cho ước mơ trở thành chuyên gia truyền thông chuyên nghiệp, hỗ trợ cộng đồng yếu thế ở Việt Nam có cuộc sống công bằng, không rào cản.
Điều 11 Luật Người khuyết tật quy định ngày 18/4 hàng năm là ngày Người khuyết tật Việt Nam. Cả nước hiện nay có khoảng 7 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên. Trong ngành Giáo dục cũng có nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên bị khuyết tật nhưng vẫn vượt mọi khó khăn cố gắng vươn lên dạy tốt, học tốt. Có giáo viên đã được tham gia chương trình "Thay lời tri ân" của Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm vào dịp 20/11.