Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo: Thiếu trầm trọng giáo viên mầm non
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục mầm non lẽ ra phải là bậc học được quan tâm đầu tư nhất nhưng lại đang đẩy mạnh xã hội hóa nhất và hiện đang thiếu đủ thứ từ giáo viên, trường lớp, cơ sở vật chất.
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, bậc giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu…
Từ thực tiễn, lãnh đạo các Sở GD&ĐT cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương nói rằng, toàn tỉnh có 438 trường mầm non, trường mẫu giáo và 131 cơ sở nhóm trẻ. Mặc dù tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho đội ngũ này nhưng mức hỗ trợ và lương chi trả hiện nay chưa đáp ứng công sức và sự vất vả của các cô giáo nên việc thu hút nguồn nhân lực đối với giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn.
Cần có giải pháp giữ chân giáo viên
Chia sẻ về thực trạng, khó khăn và giải pháp trong quản lý các cơ cở giáo dục mầm non độc lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho hay, cái khó của Hà Nội là số cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển nhanh, không theo quy hoạch, nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc không ổn định…
Bà Hoa kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung quy trình, thủ tục chuyển đổi chủ nhóm trẻ, chuyển đổi địa điểm tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đồng thời tiếp tục có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non, bởi hiện nay giáo viên mầm non khó khăn về mọi mặt nên thu hút vào ngành rất khó.
Từ thực tiễn ở địa phương, bà Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum đề nghị, không cắt giảm 10% số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Đề xuất với Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên hằng năm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, sau dịch COVID-19, giáo dục mầm non chịu nhiều thách thức, tác động nhất trong đó gồm cơ sở vật chất, giáo viên, học sinh, chất lượng. Số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều nhất cũng ở bậc học này. Đây cũng là bậc học gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thiếu đủ thứ từ giáo viên, trường lớp, thiếu cơ sở vật chất.
Theo Bộ GD&ĐT, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy đồng thời thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế 10% làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục.