Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lý giải nguyên nhân nhà đầu tư không mặn mà với BOT

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế thì việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa, trong đó có hình thức BOT là hướng đi đúng đắn để đầu tư cho giao thông. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây các dự án BOT giao thông mới ngày càng vắng bóng. Đây là vấn đề nhiều đại biểu đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Ông NGUYỄN VĂN THÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Tại sao đầu tư theo hình thức BOT, các nhà đầu tư không dành sự ưu tiên nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực cầu đường?"

Ông NGUYỄN VĂN THỂ - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Sự khác nhau giữa dự án BOT trước đây khi thực hiện theo Nghị định 108 và hiện nay (dự án BOT theo hình thức PPP). Các dự án PPP hiện nay làm trên đường song hành, tuyến cao tốc, còn BOT trước đây thực hiện trên đường hiện hữu, theo Nghị định 108 nên có một số vướng mắc, nhà đầu tư bức xúc. Thực tế, các bức xức chủ yếu là nhà đầu tư, ngân hàng lo ngại nợ xấu, hụt doanh thu. "Chúng ta cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đó có quyền lợi nhà đầu tư, ngân hàng có liên quan. Bộ Giao thông sẽ cố gắng cùng các bộ, ngành rà soát kỹ, nhưng cũng cần nguồn lực để xử lý dứt điểm vấn đề này".

Ông TRẦN VĂN TUẤN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Từ năm 2015 đến nay, các dự án BOT giáo thông mới ngày càng vắng bóng, trong khi nhu cầu vốn cho các dự án giao thông từ nay đến 2025-2030 là rất lớn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, khó khăn, bất cập lớn nhất trong thu hút triển khai các dự án BOT về giao thông hiện nay là gì? Bộ đã và sẽ có giải pháp gì để khắc phục, để tiếp tục phát huy hiệu quả hình thức đầu tư này trong thời gian tới?"

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trước năm 2015 việc thu hút BOT diễn ra rất sôi nổi, rất nhiều dự án BOT được làm nhưng cũng chính vì làm nhiều nên đã có một số bất cập xảy ra trong thời gian vừa qua cần phải khắc phục.

Ông NGUYỄN VĂN THỂ - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Đến năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 437, nghị quyết này không cho phép làm BOT trên đường hiện hữu nữa mà chỉ được làm trên đường song hành. Còn những dự án trước đây khi chưa có Nghị quyết 437 chúng ta làm theo Nghị định 108, chúng ta làm theo Nghị quyết 13 của Trung ương cho phép xã hội hóa trên quốc lộ hiện hữu. Còn khi có Nghị quyết 437 chúng tôi phải dừng 11 dự án đang triển khai, bắt đầu triển khai nhưng nó trái với Nghị quyết 437.

Từ đó đến nay, muốn làm BOT, chúng ta phải làm tuyến song hành. Hiện nay, PPP trên tuyến cao tốc là đường song hành với Quốc lộ 1, tức là những đường song hành mới được làm và làm tuyến đường mới tốn rất nhiều tiền, thu phí BOT hiện nay là mức thấp, do đó đã cải tạo đường cũ khó khăn, làm tuyến đường mới càng khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân chính mà vừa qua chúng ta chưa thu hút được nhiều dự án BOT ở cấp địa phương hoặc các quốc lộ."

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, hình thức PPP hiện nay cũng chưa thực sự hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải, bởi vì đầu tư giao thông rất tốn tiền mà quy định 50% vốn nhà nước đối với giao thông rất khó khả thi. Do đó, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ theo hướng như làm dự án BOT giao thông không đạt 50% nhưng đạt được 1.000 tỷ trở lên, huy động xã hội được 1.000 tỷ hoặc 1.500 tỷ hoặc 700 tỷ trở lên thì cho làm, nhằm thu hút mọi nguồn lực đóng góp xây dựng công trình đất nước.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bo-truong-bo-giao-thong-van-tai-ly-giai-nguyen-nhan-nha-dau-tu-khong-man-ma-voi-bot