Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Phương tiện bay không người lái cần được quản lý cụ thể

Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, hiện nay, số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái tăng nhiều, do đó, bộ sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép như ở cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng.

Sáng nay 27/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, hiện hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới chỉ có những quy định khung, mang tính nguyên tắc, trong khi đó, thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu)

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu)

Dự thảo đã có quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, tuy nhiên, chưa có quy định về hoạt động sản xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định này.

Cũng theo dự thảo, người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. Đại biểu đề nghị cần giải thích rõ cụm từ “có kiến thức về hàng không” với những tiêu chí cụ thể. Tiêu chí cần đặt ra là được đào tạo bài bản, có chứng chỉ để đảm bảo an toàn hàng không.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng đề nghị làm rõ nội hàm của “kinh doanh” tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đồng thời, việc quy định “thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm” có thuộc nội hàm của “kinh doanh” không.

Cùng với đó làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để đảm bảo thống nhất trong quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh chồng chéo giữa các bộ.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) đề cập khái niệm tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ và đề nghị rà soát tham chiếu các khái niệm quốc tế và một số khái niệm đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ để đảm bảo sự thống nhất; phân định rõ về khái niệm và cách hiểu, cũng như khi triển khai thực hiện.

Đồng thời, đảm bảo bao quát đầy đủ và phù hợp với tính đa dạng của các loại phương tiện này cũng như dự liệu được sự phát triển mạnh mẽ của các loại phương tiện này trong tương lai, nhất là trong ứng dụng đối với các hoạt động kinh tế - xã hội.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình tại phiên họp

“Các phương tiện bay khác đều phải đăng ký ở Bộ Công an, nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng, do Bộ Quốc phòng có các trang bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này” – ông Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Cũng theo Đại tướng Phan Văn Giang, hiện nay, do số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái nhiều nên Bộ Quốc phòng sẽ tính toán quy định cấp nào sẽ cấp phép bay, đến cấp tỉnh, cấp Quân khu, Quân chủng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Khi thấy cần thiết đình chỉ chuyến bay nào đó thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có quyền này.

Đề cập quy định về phương tiện bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ, hiện nay phương tiện này đang được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi. Các loại phương tiện này cần được quản lý cụ thể. Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý vùng trời, do vậy, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao để bảo đảm vùng trời được an toàn nhất.

Về vấn đề xây dựng lực lượng phòng không nhân dân, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, hoạt động tác chiến phòng không nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không, phòng ngừa tiến công đường không trở thành yếu tố hết sức quan trọng. Việc chủ động xây dựng lực lượng phòng không nhân dân ngay từ thời bình là hết sức cần thiết, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước…

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/bo-truong-bo-quoc-phong-phuong-tien-bay-khong-nguoi-lai-can-duoc-quan-ly-cu-the-post1104176.vov