Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu cách xử lý quy hoạch 'treo'
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, không phải cứ quy hoạch xong là làm ngay. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, cần 'mở' ra cho chính quyền địa phương, hộ dân nào người ta muốn đi trước thì tái định cư nhỏ, cho đền bù trước. Sau này giải phóng mặt bằng sẽ rất thuận lợi.
Cuối phiên thảo luận buổi chiều nay (ngày 2/6) của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp tục giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến dự toán ngân sách, điều hành ngân sách, quản lý vốn đầu tư công và mua sắm, tinh giản biên chế...
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên thảo luận.
Vì sao dự toán thu ngân sách không sát với thực tế?
Giải trình về việc vì sao lập dự toán ngân sách, đặc biệt dự toán thu ngân sách không sát với thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo niên độ tài khóa đến ngày 31 tháng 12 dương lịch, khi lập ngân sách, lập dự toán theo Luật Ngân sách là khoảng tháng 9 và tháng 10, nghĩa là khoảng 4 tháng nữa mới hết năm ngân sách nên ước thực hiện chưa chính xác. Bộ trưởng cho biết sẽ khắc phục vấn đề này.
Về vấn đề chi cho giáo dục và đào tạo theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong những năm qua việc chi cho giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Luật Giáo dục trên 20%, nhưng theo Bộ trưởng, đại biểu thống kê chưa cộng số đầu tư xây dựng cơ bản.
"Ví dụ, năm 2018, chi cho đầu tư phát triển thêm 63.642 tỷ đồng, chi cho sự nghiệp giáo dục giao là 314.999 tỷ đồng; cộng lại tổng chi là 251.357 tỷ đồng là 20,6%, năm 2019 là 20,7%, năm 2020 là 20,67%. Chúng tôi xin giải trình như vậy", ông Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Giải trình về vấn đề dự phòng ngân sách là 1.150 tỷ, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, đã tiết kiệm được dự phòng để dùng cho chi thiên tai, lũ lụt, an ninh quốc phòng... để đầu tư cho phát triển.
Theo Luật Đầu tư công, nguồn vốn là gồm có ba loại: Một là theo kế hoạch giao từ đầu năm, hai là từ nguồn vượt thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; còn dự phòng ngân sách được Quốc hội giao là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
"Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung cho hơn 30 tỉnh đầu tư công trình xây dựng cơ bản phòng chống lũ lụt. Như vậy, đến hết niên độ ngân sách được kéo dài theo Luật Đầu tư công và sẽ quyết toán 850.236 tỷ đồng, số còn lại là 291,9 tỷ đồng sẽ hủy quyết toán vào năm 2021", ông Hồ Đức Phớc nói.
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận.
Không phải quy hoạch xong là làm ngay được
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ có kế hoạch để hoàn thiện và khắc phục những tồn tại đại biểu nêu. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ngân sách, đầu tư công, quản lý tài sản công, Luật PPP, Luật Đất đai…
Nêu các ví dụ trong thực tiễn có nhiều vướng mắc như Luật Ngân sách, đó là không dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác, thế thì rất "mắc". Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, khi triển khai các công trình về đường cao tốc hay các công trình liên vùng mà ngân sách của các tỉnh có điều kiện muốn bỏ ra để giải phóng mặt bằng thì lại mắc phải điều luật này thì phải xin ý kiến của Quốc hội.
Hay như tách đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, cái này rất là tốt bởi quá trình đầu tư gồm 3 giai đoạn đó là chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quyết toán công trình. Vậy đối với vấn đề chuẩn bị đầu tư kéo dài nhất bởi liên quan đến vốn đầu tư, mà trong Luật Đầu tư công, việc bố trí vốn đầu tư rất vướng mắc, không bố trí chuẩn bị đầu tư thì không có dự án, mà không có dự án thì sau ngày 1/10 thì không đưa vào kế hoạch. Đây cũng là cái vướng mắc.
Đối với việc đền bù giải phóng mặt bằng, khi mà phê duyệt dự án xong, thiết kế kĩ thuật, dự toán xong, đấu thầu xong mới đền bù giải phóng mặt bằng thì 1 năm sau mới triển khai được dự án. Cho nên, không chỉ công trình đặc biệt hay nhóm A, B mà kể cả nhóm C thì đều phải tách giải phóng mặt bằng ra, như vậy mới nhanh, khi có quy hoạch 1/500 được phê duyệt hay phòng tuyến là có thể đóng mốc, trích lục địa chính, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được.
Còn về vướng mắc về Luật Đất đai, quy hoạch "treo", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã quy hoạch thì phải 5 năm hay 10 năm thậm chí lâu hơn nữa chứ không phải quy hoạch xong là làm ngay. Vậy, xử lý vấn đề này như thế nào?
Ông Hồ Đức Phớc lấy ví dụ: "Chúng ta phóng một tuyến đường đi thì trên đó có nhà dân, không cho dân làm thêm nhà, sửa chữa làm thêm công trình, vậy dân sẽ thắc mắc, vướng mắc. Giải quyết việc này như thế nào? Bằng cách là mở ra cho chính quyền địa phương, hộ dân nào người ta muốn đi trước thì tái định cư nhỏ, cho đền bù trước. Sau này giải phóng mặt bằng sẽ rất thuận lợi khi thực hiện các công trình, dự án còn các công trình sản xuất vẫn thực hiện bình thường. Từ đó sẽ không còn 'treo' nữa".
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình tại Phiên thảo luận.
Chi thường xuyên rất tiết kiệm
Về định mức kinh tế kĩ thuật, như sử dụng xe ô tô, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Bộ đang tham mưu, trình với Thủ tướng để sửa đổi Nghị định 04 về định mức xe ô tô. Lúc đó, định mức ô tô sẽ căn cứ vào đơn vị hành chính, diện tích, địa hình; "Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các địa phương và các bộ ngành để sửa lại Nghị định 04 một cách hợp lý", ông Phớc nói.
Vấn đề quản lý, điều hành, trong đó có điều hành ngân sách, quản lý vốn đầu tư công và mua sắm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong chi thường xuyên phải nói là rất tiết kiệm.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo năm 2021 là tiết kiệm 10% chi thường xuyên và 50% tiền tiếp khách, tiền công tác, tiền đi công tác nước ngoài được hơn 14 nghìn tỷ đồng. Số tiền này đã được sử dụng mua vắc – xin và chống dịch. "Như vậy, chúng ta có 16 nghìn tỷ đồng để chuyển sang năm 2022, cộng với dự toán ngân sách 10 nghìn tỷ đồng nữa là có 26 nghìn tỷ đồng sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch, đây là rất chủ động về nguồn kinh phí. Chưa kể các nguồn khác mà chúng tôi đang chuẩn bị như đồng chí Phó Thủ tướng có ý kiến", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Về thị trường vốn, ngân hàng, tiền tệ và các vấn đề như chứng khoán; đặc biệt là lãng phí trong mua sắm, đầu tư công, trong quản lý khoáng sản, quản lý rừng, quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ: "Chúng tôi sẽ siết lại".
Bộ trưởng nêu rõ: Như trong quản lý đất đai, nguyên nhân căn cốt gây ra thất thoát về đất đai có 3 nguyên nhân. Cụ thể, nguyên nhân thứ nhất là do giá, thứ hai là chuyển mục đích sử dụng đất và thứ ba là đất để lãng phí không sử dụng, do đó phải siết lại bằng các quy định pháp luật.
Vấn đề cuối cùng là tin gọn bộ máy hành chính Nhà nước, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vừa rồi, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ-TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội nghũ cán bộ công chức, viên chức đã làm rất tốt từ tinh gọn bộ máy, giảm biên chế được 10%, giảm bộ máy đơn vị hành chính sự nghiệp được 11,07%. Công chức hiện nay có 256 nghìn từ cấp huyện trở lên, cả cấp xã có tổng là 476 nghìn.
"Chúng tôi sẽ tập trung tham mưu cho Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt việc quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", ông Phớc nhấn mạnh.