Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nên dừng chính sách tài khóa mở rộng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đã đến lúc phải dừng thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025 nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đóng góp của ngành Tài chính trong thời gian qua là rất lớn, trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Điều này phản ánh đúng bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá với GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 6,42%, CPI bình quân 6 tháng tăng 4,08% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,75%, đạt mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh điều kiện nền kinh tế đất nước và tài chính công rất khó khăn.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Bộ Tài chính)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Bộ Tài chính)

Theo Bộ trưởng, cần phải có cái nhìn chia sẻ và có nhận thức chung rằng chính sách tài khóa mở rộng hết năm 2024 thì cần kết thúc để có một chu kỳ mới. Trong 4 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động, linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và phát triển một cách bền vững, phục hồi.

Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn. Trong khi đó, cần phải tăng cường năng lực cho tài chính công để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống đường giao thông, cao tốc, sân bay, bến cảng và an sinh xã hội, cải cách tiền lương, duy trì hoạt động bộ máy…

Bộ trưởng cho rằng, đã đến lúc phải dừng thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025 nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Bộ trưởng cho hay, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm giải quyết những khó khăn lớn nhất hiện nay, như các khó khăn của doanh nghiệp liên quan tới thiếu vốn, thiếu việc làm do các vấn đề ách tắc về thị trường, chính sách.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến vấn đề giải ngân đầu tư công, bởi một khi đầu tư công bị ách tắc cũng khiến các ngành phụ trợ cũng ách tắc theo, cản trở việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Một lĩnh vực nữa nếu không tháo gỡ được khó khăn cũng khiến kinh tế không thể phát triển là bất động sản. Cùng với đó là cần đưa ra giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong thu hút đầu tư, để làm sao vừa giải phóng nguồn lực, thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế nhưng không thất thu ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng lưu ý.

Trong nửa cuối năm, người đứng đầu ngành Tài chính yêu cầu toàn ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó, cần chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, đề ra các giải pháp phù hợp.

Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc cho người nộp thuế, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Đối với công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính là một trong những Bộ quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm và mang lại những thành tựu lớn trong những năm qua, nhưng hiện nay cần phải tiếp tục cải tiến, nâng cấp, cập nhật công nghệ mới để tránh bị lạc hậu, lỗi thời, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan như hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các lĩnh vực thương mại điện tử, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử…

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu thúc đẩy phát triển thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả để mở rộng thu hút nguồn lực tài chính cho đất nước. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường cổ phiếu, trái phiếu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước và chống thất thu ngân sách nhà nước.

Tập trung vào tổ chức xây dựng dự toán ngân sách năm 2025 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027 và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2026-2030 ở địa phương bám sát các yêu cầu, nội dung chủ yếu tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính...

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-nen-dung-chinh-sach-tai-khoa-mo-rong-d50272.html