Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương rất cao

Ông Hồ Đức Phớc thông tin: 'Chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương là rất cao'.

Sáng 7/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về việc Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc thảo luận về phê chuẩn quyết toán NSNN là nhiệm vụ thường xuyên tháng 5 hàng năm của Quốc hội để đánh giá việc thực hiện chính sách tài khóa trong 1 năm và phê chuẩn quyết toán NSNN.

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, cần đánh giá thực trạng nợ xây dựng cơ bản một cách toàn diện, đầy đủ nhất về bức tranh nợ cơ bản. Đại biểu cho rằng, nếu không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới, trong đó có liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư đã vay vốn ngân hàng để thực hiện các dự án đầu tư công.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 7/6.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 7/6.

Còn ĐBQH Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho hay, tại các địa phương, nhiệm vụ chi của NSTƯ có nhu cầu rất lớn nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện, trong khi phải hủy bỏ dự toán ngân sách. Thực hiện kế hoạch vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia quyết toán chỉ đạt 37,7% dự toán, có địa phương đạt dưới 10%. Thực hiện kế hoạch vốn Chương trình phục hồi phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, một số chính sách có tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là chính sách đầu tư phát triển y tế, lao động phải chuyển nguồn sang năm 2023, 2024.

ĐBQH Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.

ĐBQH Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.

Bà Đỗ Thị Lan nói: "Qua đó cho thấy, việc sử dụng NSNN có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí; nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển còn nhiều, phải vay và trả nợ lãi để bù đắp bội chi ngân sách".

Từ những ý kiến trên, bà Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật NSNN, quy định phù hợp để rút ngắn quy trình, thời gian lập, thẩm định quyết toán NSNN, kịp thời luật hóa các cơ chế đặc thù về tài chính, tháo gỡ những vướng mắc trong chi NSNN; đồng thời đại biểu đề nghị, quy định cho phép địa phương sử dụng ngân sách địa phương chi cho nhiệm vụ chi thuộc nhiệm vụ chi của NSTƯ.

Liên quan đến vấn đề chuyển nguồn lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chuyển nguồn ngân sách từ năm 2022 sang năm 2023 có phần thực hiện cải cách tiền lương mất 432.350 tỷ đồng, chiếm 37,7%; chi đầu tư phát triển chiếm 27,3%; tăng thu tiết kiệm chi chiếm 25%; các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%; kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nhà nước chiếm 0,87%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Ông Hồ Đức Phớc thông tin: "Chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương là rất cao. Bên cạnh đó, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật".

Ông Phớc nói thêm, đối với vấn đề chuyển nguồn, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng để thanh toán ngay trong năm, để số chuyển nguồn giảm đi.

Về nợ xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính cho biết, tổng hợp các khoản nợ từ các bộ ngành, địa phương chuyển qua cho thấy nợ ở các bộ ngành trung ương rất ít; ở các địa phương, đặc biệt là ngân sách tỉnh, huyện có các khoản nợ nhiều. Nguyên nhân là khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, thì những khoản để thanh toán cho các dự án thì bố trí thiếu, hoặc sót, chưa bố trí… Bộ trưởng cho rằng, UBND, HĐND các cấp phải kiểm soát vấn đề này.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-nguon-tich-luy-qua-cac-nam-de-thuc-hien-cai-cach-tien-luong-rat-cao-169240607112519451.htm