Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tăng trần nợ công phải kiểm soát giới hạn cho phép

Giải trình các vấn đề đại biểu nêu trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) diễn ra sáng 26-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc tăng trần nợ công cho các địa phương quy định trong dự thảo Luật sẽ bảo đảm trong giới hạn cho phép và chất lượng vay, tránh trường hợp sử dụng không hiệu quả dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng 26-5. Ảnh Quochoi.vn

Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng 26-5. Ảnh Quochoi.vn

Phân cấp ngân sách phù hợp mô hình chính quyền mới

Đặt vấn đề về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đang đặt ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ mới, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, hiện tại cấp xã là cấp ngân sách cuối cùng, đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách không có đơn vị dự toán trực thuộc. Tuy nhiên, sau khi tổ chức đơn vị chính quyền địa phương 2 cấp, một số đơn vị dự toán cấp huyện chuyển sang cấp xã quản lý như trường tiểu học, trung học cơ sở và một số trung tâm, đơn vị sự nghiệp khác... Những đơn vị này đang thực hiện theo mô hình dự toán độc lập thuộc cấp huyện, vừa là đơn vị dự toán ngân sách nhà nước, vừa là đơn vị sử dụng ngân sách thì sẽ được thực hiện theo mô hình và quy trình ngân sách như thế nào?

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh Quochoi.vn

“Tôi đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn nội hàm “cấp có thẩm quyền giao dự toán ngân sách” cho đơn vị dự toán ngân sách các cấp, bảo đảm việc tổ chức thực hiện quy trình ngân sách nhà nước phù hợp với yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính, đặc biệt là cấp xã”, đại biểu Quỳnh Thơ kiến nghị.

Cũng đề cập đến nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo luật cần quan tâm đến vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân sách nhà nước theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đại biểu, hiện nay việc tổ chức đơn vị hành chính làm thay đổi căn bản cấu trúc quản lý nhà nước tại địa phương. Trong Điều 7 của dự thảo luật đã mở rộng theo hướng phân cấp ngân sách linh hoạt để phù hợp mô hình chính quyền nhưng chưa nêu rõ nguyên tắc xử lý ngân sách cho các địa phương chuyển tiếp mô hình quản lý.

“Tôi đề xuất bổ sung điều khoản về quản lý ngân sách tương ứng với mô hình chính quyền thực tế, trong đó có quy định các trường hợp không tổ chức HĐND, không còn tư cách pháp nhân tài chính; giao Chính phủ ban hành danh mục hướng dẫn xác lập ngân sách đặc thù kèm theo cơ chế giám sát, phân cấp tại các đô thị lớn và khu hành chính đặc biệt trong tương lai”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu.

Quản lý ngân sách cần căn cứ theo “đầu ra”

Nhấn mạnh quan điểm việc quản lý, phân bổ ngân sách cần căn cứ theo “đầu ra”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng trong việc chúng ta chịu trách nhiệm trước nhân dân và cử tri.

Góp ý về quy định trong dự thảo luật về dự phòng ngân sách để chia sẻ phần giảm doanh thu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị cần giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về nguyên tắc, điều kiện, trường hợp được sử dụng ngân sách dự phòng ngân sách nhằm bảo đảm tăng trách nhiệm giải trình cũng như tính minh bạch giám sát của hệ thống cơ quan dân cử.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh Quochoi.vn

Về quy định việc sử dụng dự phòng ngân sách để hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị sửa theo hướng: Nguồn “dự phòng ngân sách nhà nước sử dụng để chi hỗ trợ ngân sách cấp dưới phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng 50% cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu”. Theo đại biểu, quy định như vậy nhằm bảo đảm địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm và tránh việc trồng chờ ỷ lại trong thực thi nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.

Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về ngân sách nhà nước trong dự thảo luật cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, về thẩm quyền phân bổ ngân sách trung ương, tại Điều 19 dự thảo luật quy định thẩm quyền của Quốc hội chỉ quyết định tổng thể và cơ cấu lớn trong dự toán ngân sách nhà nước, việc phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự toán chi ngân sách nhà nước, chi tiết chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Trong khi đó, Quốc hội không quyết định chi tiết lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; không quyết định chi tiết theo từng lĩnh vực ngân sách trung ương, chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trung ương. Dự thảo luật bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ thực hiện các thẩm quyền này (khoản 2 Điều 26 của dự thảo luật).

“Về vấn đề này tôi nhận thấy, theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của Hiến pháp 2013, Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc Quốc hội không quyết định chi cụ thể đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ... Việc Quốc hội quyết định mức chi ngân sách trung ương chi tiết theo từng lĩnh vực giúp cho việc phân bổ ngân sách trung ương được minh bạch, sử dụng đúng mục tiêu, mục đích”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nhìn nhận.

Kiến nghị tăng mức trần nợ công cho các đô thị đặc biệt

Về Khoản 2 Điều 35 dự thảo luật quy định các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, có nhiều đại biểu lựa chọn phương án 2 nêu trong dự thảo luật.

Trong đó, quy định đáng chú ý là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản), các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%. Về thuế giá trị gia tăng, thực hiện phân chia: Ngân sách trung ương hưởng 70%, ngân sách địa phương hưởng 30%...

Liên quan đến quy định trong dự thảo luật về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc điều chỉnh mức tăng dư nợ vay nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay là cần thiết bởi sau sắp xếp đơn vị hành chính, các địa phương sẽ mở rộng quy mô nên rất cần nguồn lực đầu tư để tăng kết nối.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh Quochoi.vn

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh Quochoi.vn

“Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét thêm đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều dự án lớn triển khai, thay vì mức trần dư nợ vay không vượt quá 120% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (đối với địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương), thời gian tới có thể vượt trần, nâng lên mức 150-200%” đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Tuy nhiên, cũng liên quan đến vấn đề này, các đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) và Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) lại lưu ý việc tăng trần nợ công cho các địa phương cần hết sức cân nhắc bởi thực tế việc “dễ vay” thì dễ dẫn đến “dày nợ”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu tại hội trường. Ảnh Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu tại hội trường. Ảnh Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt cơ quan soạn thảo luật đã tiếp thu, giải trình các vấn đại biểu nêu, trong đó nhấn mạnh việc tăng trần nợ công phải kiểm soát trong giới hạn cho phép và bảo đảm chất lượng vay, chất lượng dự án, tránh trường hợp sử dụng không hiệu quả dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.

Đỗ Chí

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-tang-tran-no-cong-phai-kiem-soat-gioi-han-cho-phep-703515.html