Bộ trưởng Công an: Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh dữ liệu cá nhân là một loại tài nguyên đặc biệt, không thể coi là hàng hóa thông thường.

Sáng nay, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với việc cần thiết ban hành luật.

Phân biệt dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đồng tình việc dự luật phân biệt các loại dữ liệu cá nhân, gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm, do dữ liệu nhạy cảm đòi hỏi các biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn.

Ông cũng kiến nghị áp dụng quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm đối với các lĩnh vực như sức khỏe, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, thông tin tín dụng.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An). Ảnh: Quốc hội

“Đây cũng là cách tiếp cận rất đúng xu hướng hiện nay” - đại biểu nhấn mạnh.

Ông Hiếu cũng thông tin theo kinh nghiệm của nhiều nước, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là nội dung quan trọng, liên quan đến quyền của các cá nhân nên thường được quy định trường hợp nhạy cảm ngay trong luật. Chẳng hạn như ở Nhật Bản là dữ liệu trạng thái xã hội, hồ sơ bệnh án, hồ sơ phạm tội…; Trung Quốc là dữ liệu nhận dạng sinh trắc học, tín ngưỡng tôn giáo, y tế, chăm sóc sức khỏe, tài khoản tài chính, dữ liệu theo dõi vị trí...

Do đó, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cơ quan soạn thảo quy định một số loại dữ liệu cơ bản ngay trong luật, còn những thông tin khác giao Chính phủ quy định phù hợp yêu cầu của từng thời kỳ.

Định đoạt thông tin của người khác

Phát biểu tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết việc sớm ban hành luật là rất cần thiết, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét ban hành thông qua tại một kỳ họp.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Ảnh: Quốc hội

“Hiện khoảng 150 nước trên thế giới đã có quy định về luật dữ liệu cá nhân. Trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng, ảnh hưởng tới mỗi cá nhân trên không gian mạng thì quyền nhân thân, quyền riêng tư và đối mặt nguy cơ xâm hại gia tăng sẽ đe dọa đến an ninh con người” - ông Quang cho biết.

Theo Bộ trưởng Công an, nhận thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế, tạo ra "vùng xám" trong vấn đề này.

Bộ trưởng Công an dẫn chứng việc mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa diễn ra với số lượng dữ liệu rất lớn, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng để phân tích, khai thác, xây dựng, xây dựng các kịch bản lừa đảo và tiếp cận nạn nhân chính xác và dễ dàng.

"Yếu tố lọt lộ, mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến tội phạm thực hiện các hành vi phạm tội" - ông Quang nhấn mạnh.

Do đó, quan điểm của Bộ Công an là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền con người, quyền nhân thân riêng tư không thể xem là hàng hóa, tài sản của doanh nghiệp. Dữ liệu cá nhân là tài nguyên đặc biệt, yêu cầu khai thác phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất.

"Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác" - Bộ trưởng Công an khẳng định.

Theo ông, nếu không cấm buôn bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh, có thể sẽ hình thành "chợ đen" về dữ liệu cá nhân và gây hậu quả, thiệt hại rất lớn cùng nỗi bất an cho người dân.

Bộ trưởng cho biết trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng An ninh, Ủy ban Quốc phòng An ninh và Đối ngoại của Quốc hội tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 này.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cho-phep-mua-ban-du-lieu-ca-nhan-la-cho-phep-mua-ban-quyen-con-nguoi-2404374.html