Bộ trưởng Công Thương chỉ ra thách thức trong thương mại điện tử ảnh hưởng tới người tiêu dùng

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, có 3 thách thức trong thương mại điện tử, trong đó người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp, chưa được kiểm soát chặt chẽ...

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ kọp thứ 7, chiều 4/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, thương mại điện tử đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và thực hiện hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó, hoạt động thuơgn mại, bán hàng online trên mạng xã hội cũng rất phức tạp. Đại biểu Minh Hoàng nêu câu hỏi về giải pháp để quản lý các loại thương điện tử này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Chung mối quan tâm, đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn ĐBQH Hà Nội, cho rằng: Thương mại điện tử rất khó xây dựng được lòng tin người tiêu dùng, đặc biệt là giữ bí mật thông tin, dữ liệu cá nhân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giữ thông tin cá nhân trong hoạt động thanh toán qua thương mại điện tử?

Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn ĐBQH Hà Nội, nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn ĐBQH Hà Nội, nêu câu hỏi chất vấn

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, chúng ta đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn: Thứ nhất, người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; Thứ 2, hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp, chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; Thứ 3 là thất thu thuế với thương mại điện tử.

Về bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Công Thương cho rằng có tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân. Bộ Công Thương nhận rõ vấn đề này nên đã tham mưu Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh biện pháp bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân; đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật; yêu câu các doanh nghiệp đảm bảo việc bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng; yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện từ công khai cách thức bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tấn công hàng hóa trong nước thông qua thương mại điện tử, cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, một mặt khuyến khích doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa cạnh tranh với hàng ngoại nhập; đồng thời đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đặc biệt là tiêu dùng hàng Việt trên môi trường mạng.

Đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có xây dựng Đề án Chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, riêng trong năm 2023 đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, tách bạch giữa luồng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.

Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử...

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bo-truong-cong-thuong-chi-ra-thach-thuc-trong-thuong-mai-dien-tu-anh-huong-toi-nguoi-tieu-dung-20240604152226896.htm