Bộ trưởng Công Thương trả lời về công tác điều hành giá xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn để giải đáp chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều hành giá xăng dầu. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương hy vọng giá xăng sẽ hạ sau khi giảm thuế môi trường nhưng nếu vẫn không được, ông cho rằng có thể dùng quỹ an sinh hỗ trợ.
Tiếp tục chương trình làm việc đợt 1 của phiên họp thứ 9, sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Về vấn đề cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vừa qua giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, do đứt gẫy nguồn cung và khủng hoảng Nga – Ukraine. Ở trong nước nguồn cung xăng dầu cũng gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động đột ngột.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo hệ thống phải nhập đủ sản lượng bù vào số lượng Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt. Đến thời điểm hiện tại chúng ta đủ nguồn cung xăng dầu cho hết tháng 3.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu cao hơn mức bình thường để đảm bảo nguồn cung không lúc nào thiếu.
Về điều hành giá, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt. Sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29-40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40-60% tùy mặt hàng).
Tuy nhiên hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, trình UBTVQH xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, sử dụng các quỹ bảo đảm an sinh xã hội,…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình găm hàng tăng giá.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép. Cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công Thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu).
Báo cáo của Bộ Công Thương đã giải trình các vấn đề này. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn qua chất vấn sẽ có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn.
Vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đại biểu Kiên Giang) tranh luận với Bộ trưởng Công Thương về vấn đề của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Bà nói, nguồn cung xăng dầu được Bộ trưởng giải thích là không thiếu, do việc tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung, tức là phụ thuộc nguồn bên ngoài. "Vậy vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước trong đảm bảo nguồn cung thế nào?", bà đặt vấn đề.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của nhà máy trong nước hiện nay là một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước.
Việt Nam có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nào nhưng trong nước vẫn không thiếu xăng dầu, các nước bên cạnh không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu. Trong khi đó, các nước có nhà máy lọc dầu thì cũng không có giá chênh lệch quá xa so với giá thế giới.
Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn. Nhà máy Bình Sơn do PVN đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35%. Nhưng Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.
Vấn đề nội tại của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, theo Bộ trưởng, chủ yếu là vấn đề tài chính. PVN, với tư cách là một bên trong liên doanh, đã báo cáo vấn đề này với Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp. PVN đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn là nhập hoàn toàn từ dầu thô của Kuwait, trong bối cảnh biến động giá, việc khan hiếm nguồn cung là không thể tránh.
Bộ trưởng khẳng định, "khi nào PVN cam kết chắc chắn trước Bộ Công Thương rằng sản lượng lấy từ Nhà máy Nghi sơn đảm bảo nguồn cung theo kế hoạch thì Bộ Công Thương mới dừng nhập xăng dầu".
Trong khi đó, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, giảm thuế để giúp giá xăng dầu là hợp lý, giảm bớt áp lực giá cho người tiêu dùng. Song, theo bà giảm thuế bảo vệ môi trường là lựa chọn không hợp lý.
"Thuế bảo vệ môi trường bản chất đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm và mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Do đó, giảm thuế này với xăng dầu sẽ bất hợp lý, vì đối tượng gây ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp, ngược lại đối tượng gây ô nhiễm thấp lại chịu thuế cao", bà Mai phân tích.
Cũng theo đại biểu này, xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, chịu thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít, nhưng nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế thì sẽ lỗ. Điều này chưa phù hợp điều hành giá cả, đảm bảo lợi ích các bên.
"Nếu chọn sắc thuế khác không phát sinh nghịch lý này", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nói và cho biết thêm các quốc gia khác điều tiết giá xăng dầu đều chọn giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, hay thuế nhập khẩu..", đại biểu Mai nói.