Giá heo hơi hôm nay 10/11: Tăng nhẹ cả 3 miền; Dự báo về chăn nuôi heo tại Việt Nam giai đoạn 2025-2030

Nhìn chung, giá heo hơi tuần qua giữ đà tăng nhẹ tại một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc và miền Trung, biến động trái chiều tại khu vực phía Nam. Khảo sát cho thấy giá heo hơi trên cả nước đang được giao dịch trong khoảng 60.000 - 64.000 đồng/kg; 8 dự báo về chăn nuôi heo tại Việt Nam giai đoạn 2025-2030.

Giá heo hơi hôm nay 10/11: Giá heo hơi tăng nhẹ tại một số địa phương. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vincom)

Giá heo hơi hôm nay 10/11: Giá heo hơi tăng nhẹ tại một số địa phương. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vincom)

Giá heo hơi hôm nay 10/11

*Giá heo hơi miền Bắc:

Thị trường heo hơi miền Bắc tăng 1.000-2.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh, thành phố trong tuần qua. Hiện tại, heo hơi tại khu vực này đang được bán ra trong khoảng 62.000 - 64.000 đồng/kg.

Trong đó, ngưỡng giao dịch cao nhất cả nước là 64.000 đồng/kg đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Ngược lại, mức giá thấp nhất khu vực là 62.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Ninh Bình và Lào Cai.

* Giá heo hơi tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng lên 1-2 giá tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định và Lâm Đồng.

Theo đó, hiện toàn quốc không còn địa phương nào giao dịch dưới 60.000 đồng/kg. Thị trường heo hơi miền Trung đang mua bán chênh lệch trong khoảng 60.000-63.000 đồng/kg.

*Giá heo hơi tại khu vực miền Nam

Tuần qua, giá heo hơi phía Nam biến động tăng, giảm trái chiều. Các thương lái tại khu vực này đang thu mua heo hơi từ 60.000 - 63.000 đồng/kg.

Cụ thể, các tỉnh: Bình Phước, An Giang, Bến Tre và TP Cần Thơ điều chỉnh lên 1.000 - 3.000 đồng/kg. Ngược lại, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng những những tỉnh có giá heo hơi đi xuống từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

*Theo TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, có 8 dự báo về chăn nuôi heo tại Việt Nam giai đoạn 2025-2030.

1. Nhu cầu thị trường trong nước về mặt hàng thịt heo vẫn còn lớn, tuy nhiên sẽ theo xu hướng giảm dần, do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác, như: gia cầm, tôm cá, thịt đỏ, đạm thực vật.

2. Ngoài sự cạnh tranh với các mặt hàng thực phẩm khác, chăn nuôi heo trong nước còn phải cạnh tranh ngày càng lớn với các sản phẩm thịt heo nhập khẩu đang ngày càng gia tăng (trung bình từ 15-20%/năm).

3. Dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Chăn nuôi ATSH vẫn là biện pháp quyết định trong kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi.

4. Kiểm soát môi trường và khí nhà kính sẽ gia tăng áp lực cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo và trâu, bò. Vấn đề kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi là tự nguyện hay bắt buộc sẽ là vấn đề tranh luận, nếu không có các căn cứ thuyết phục và sự vào cuộc thực sự của người chăn nuôi, các hội, hiệp hội thì có thể sẽ được Nhà nước đưa các cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô từ 3.000 con/trại vào diện phải kiểm kê khí nhà kính từ năm 2027.

5. Số hộ chăn nuôi heo sẽ giảm, nhưng tổng đàn lợn trong nước vẫn tăng ở mức 2-3%/năm. Quy mô đàn heo cả nước tại thời điểm 1/4/2024 là 25,54 triệu con (Không tính heo con theo mẹ); heo thịt 22,36 triệu con; lợn nái 3,1 triệu con (Trong đó nái đẻ 2,4 triệu con). Quy mô đàn heo cả nước có thể lên cao điểm đến khoảng 28,5 triệu con vào năm 2028.

6. Phương thức chăn nuôi heo trong nước sẽ đi theo 3 xu hướng:

– Chăn nuôi heo theo chuỗi liên kết, mô hình chăn nuôi gia công cho các tập đoàn, công ty lớn. Quy mô đàn lợn khu vực chăn nuôi này chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Mô hình chăn nuôi này có tính ổn định, ít rủi ro.

– Chăn nuôi heo theo mô hình các hộ lớn, hộ trang trại tự phối chộn hoặc đặt hàng gia công thức ăn chăn nuôi cho các cơ sở chế biến TACN sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Mô hình chăn nuôi này có hiệu quả tốt, tuy nhiên đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn và khả năng quản trị tốt.

– Chăn nuôi heo theo mô hình chăn nuôi truyền thống, tận dụng phụ phẩm của các bếp ăn tập thể. Mô hình chăn nuôi này chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, ATTP.

7. Việc xây mới các cơ sở chăn nuôi heo sẽ gặp nhiều khó khăn, do vậy những cơ sở chăn nuôi heo hiện có sẽ có vị trí quan trọng trong việc ổn định quy mô đàn heo, đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới.

8. Vấn đề tạo ra những giống, công thức lai để có sản phẩm thịt heo đặc thù với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và công nghệ giết mổ phù hợp nhằm phổ cập thói quen tiêu dùng thịt mát là giải pháp quan trọng nâng cao sức cạnh tranh, khả năng tự vệ của ngành chăn nuôi heo Việt Nam trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế và chăn nuôi Việt Nam với khu vực và thế giới.

Minh Hòa (tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-heo-hoi-hom-nay-1011-tang-nhe-ca-3-mien-du-bao-ve-chan-nuoi-heo-tai-viet-nam-giai-doan-2025-2030-293237.html