Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu giải pháp hồi sinh các dòng sông 'chết'

Đại biểu Quốc hội chất vấn về giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới để phục hồi và hồi sinh các dòng sông 'chết' do ô nhiễm trầm trọng.

Giải pháp nào phục hồi và hồi sinh các dòng sông "chết"?

Ngày 4/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là người trả lời chất vấn đầu tiên.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương chất vấn: Bộ trưởng cho biết, giải pháp và kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới để phục hồi và hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng, không thể sử dụng nước sông vào bất cứ mục đích gì, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trong Luật Tài nguyên nước đã có nội dung liên quan đến phải phục hồi các dòng sông chết. Hiện nay, các dòng sông như Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy, sông Cầu... thực chất là đang ô nhiễm nặng, còn dòng sông chết là dòng sông vừa ô nhiễm, vừa không có dòng chảy.

Với những dòng sông này, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cũng tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu, bởi vì hầu hết ở các khu công nghiệp xả thải ra các dòng sông này, tức là nguồn thải. Bên cạnh đó, cụm công nghiệp và làng nghề, chúng ta cũng chưa đủ nguồn lực để xử lý nước thải (gồm nguồn lực để đầu tư cho hệ thống thu gom, hệ thống xử lý).

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương phải cùng với nhau chung tay để thu gom, xử lý nước thải đồng bộ. Giải pháp căn cơ là phải giữ được nước, nước chảy tự nhiên với lưu lượng nước lớn, điều hòa được dòng chảy.

“Vvấn đề quản lý, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, chúng tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban Quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung của các tỉnh, các bộ ngành và có một y ban để điều hành, điều phối việc này- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, sẽ tham mưu với Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong giai đoạn tiếp theo 2026-2030 nên quan tâm đến việc xử lý các dòng sông ô nhiễm này. Như vậy, đang cần một nguồn lực tương đối lớn.

Sẽ ban hành đơn giá dịch vụ về xử lý nước thải

Đại biểu Nguyễn Văn Thi - đoàn Bắc Giang chất vấn, việc quản lý các nguồn phát thải, xả thải lớn là giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc quản lý ô nhiễm nguồn nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Tuy nhiên, theo Báo cáo 124 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay trên phạm vi cả nước tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý mới đạt 17% và mới có 30,3% số cụm công nghiệp và 16,1% các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp căn cơ nào trong thời gian tới để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề cũng như nước thải sinh hoạt.

Về quản lý nguồn nước thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ, đúng như thực trạng và trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đại biểu đã trao đổi, hiện nay tỷ lệ xử lý nước thải của chúng ta rất thấp, đặc biệt là nước sinh hoạt đô thị, nông thôn, cụm công nghiệp, làng nghề.

Nêu một số giải pháp, Bộ trưởng chỉ rõ, về đảm bảo tổng thể, chúng ta phải xây dựng một kế hoạch, một lộ trình, đầu tư đồng bộ về hạ tầng liên quan đến xử lý nước thải. Việc này đòi hỏi nguồn lực, thời gian và sự quan tâm của địa phương, của bộ, ngành tập trung trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Thứ hai, chúng ta phải hoàn chỉnh thể chế, chính sách, trong đó có hợp tác công - tư trong xử lý nước thải để đảm bảo thu hút được nguồn lực xã hội hóa trong việc đầu tư.

“Thứ ba, sẽ ban hành đơn giá dịch vụ về xử lý nước thải. Chúng ta phải có giá dịch vụ hợp lý, phù hợp để các doanh nghiệp tham chiếu tính toán được, từ đó, sẽ tham gia trong việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải” - Bộ trưởng nói.

Thứ tư, về việc tăng cường công tác quan trắc, giám sát. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cũng đang tiếp tục đầu tư hệ thống, quan tâm giám sát các nguồn xả thải và kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường".

"Vừa qua, chúng tôi khánh thành một trung tâm tổng hợp, xử lý dữ liệu và quan trắc kết nối với tất cả các địa phương và các nguồn xả thải lớn, từng bước sẽ cập nhật và phân tích, xử lý, kiểm tra, giám sát việc này” - Bộ trưởng thông tin.

Thứ năm, về tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm, ông Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp rất tốt với địa phương, Bộ Công an kiểm tra, xử lý nghiêm, đặc biệt là việc cố tình xả thải ra môi trường, không đạt yêu cầu.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-dang-quoc-khanh-neu-giai-phap-hoi-sinh-cac-dong-song-chet-324171.html