Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Mong Mỹ và Việt Nam tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý tôn giáo

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam. Trong quá trình hoàn thiện pháp luật, Bộ trưởng mong Mỹ và Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quản lý tôn giáo.

Chiều 22/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung có buổi tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knappe.

Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knappe. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knappe. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại sứ Mỹ đánh giá cao công tác quản lý tôn giáo tại Việt Nam

Đại sứ Marc E. Knappe cho rằng, một trong những điểm tương đồng giữa Mỹ và Việt Nam là sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo.

“Hai quốc gia luôn có thể nói chuyện với nhau với sự tôn trọng, cởi mở, thống nhất mục tiêu chung là tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác, xây dựng nhiều cầu nối hai quốc gia, hai dân tộc. Khi có ý kiến, quan điểm khác biệt thì đều trao đổi với sự tôn trọng, tinh thần hữu nghị, mang tính xây dựng”, Đại sứ khẳng định.

So sánh nhiệm kỳ đầu với nhiệm kỳ hiện tại làm việc ở Việt Nam, Đại sứ đánh giá cao sự cải thiện lớn trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng.

“Khi Việt Nam có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì đó là điều có thể tự hào về sự tiến bộ, phát triển trong công tác quản lý tôn giáo. Các lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội của Việt Nam đã phối hợp với các nhà lãnh đạo tôn giáo, tạo thuận lợi về không gian để tín đồ cũng như những người không theo tôn giáo đến hoạt động”, ông nhận định.

Đại sứ Marc E. Knappe đánh giá cao công tác quản lý tôn giáo tại Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại sứ Marc E. Knappe đánh giá cao công tác quản lý tôn giáo tại Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Đại sứ Marc E. Knappe, ngay cả ở Mỹ, vẫn có thể phát sinh vấn đề trong cách thức triển khai, thi hành luật, nhất là ở cấp độ địa phương. Mỹ đã rất nỗ lực để đảm bảo lãnh đạo, cán bộ địa phương hiểu những việc họ được làm hoặc không được làm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

“Hy vọng sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền, sáp nhập các tỉnh, bỏ cấp quận huyện, Việt Nam sẽ có môi trường thuận lợi hơn để lãnh đạo, cán bộ địa phương thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất”, Đại sứ nói.

Với một số vấn đề còn băn khoăn như khuôn khổ pháp lý về tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động đăng ký nhóm tôn giáo tại địa phương…, Đại sứ rất mong tại cuộc gặp lần này sẽ được Bộ trưởng chia sẻ thông tin để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia.

Việt Nam tuân thủ các quy định của Liên Hợp Quốc, phù hợp thông lệ thế giới

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ lời cảm ơn tới Đại sứ và Đại sứ quán Mỹ, nhiều năm qua đã hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đáng chú ý như vấn đề liên quan nhân quyền, hiệp định thương mại, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Bộ trưởng, dân chủ, nhân quyền là vấn đề rất lớn, quốc gia nào cũng quan tâm, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ quốc tế sâu rộng, nền kinh tế đang phát triển, những quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo như Việt Nam.

Đánh giá cao cuộc gặp lần này của Đại sứ Mỹ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Từ khi Việt Nam - Mỹ thiết lập lại quan hệ ngoại giao tới nay, quan hệ 2 nước ngày càng trở nên hiệu quả, thực chất, và chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ. Chúng ta thực sự hợp tác chiến lược toàn diện, hiểu nhau, tin cậy nhau, cùng hướng tới lợi ích của cả hai quốc gia, hai dân tộc. Những năm qua, sự hiểu biết, tôn trọng, ủng hộ lẫn nhau của Mỹ và Việt Nam cả song phương lẫn trên các diễn đàn quốc tế rất tốt”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng cung cấp một số thông tin nền về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo tại Việt Nam: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc, 14% là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Cả nước có 28 triệu tín đồ, 43 tổ chức tôn giáo, 5 tôn giáo lớn.

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã dành nhiều thời gian để giải đáp những băn khoăn của Đại sứ Mỹ. Bộ trưởng chân tình chia sẻ: Việt Nam đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân và vì nhân dân, hướng tới ngày càng công khai hơn, minh bạch hơn. Tới đây, sau khi sáp nhập, tinh gọn xong bộ máy chính quyền, nhiều vấn đề sẽ được hoàn thiện và sẽ gần dân, sát dân hơn.

Bộ trưởng khẳng định, mỗi quốc gia có những quy định pháp luật riêng, song hệ thống pháp luật của Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của Liên Hợp Quốc, phù hợp thông lệ chung của thế giới. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam.

“Cũng giống như Mỹ, Việt Nam không chủ trương hạn chế sinh hoạt các điểm nhóm tôn giáo, chỉ xử lý người vi phạm pháp luật. Tới nay, khoảng 70% cơ sở tôn giáo trên cả nước đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các địa phương quan tâm giải quyết sớm, tạo điều kiện pháp lý cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng hiến chương, điều lệ, phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết đạo đời, cùng nhau nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn thời gian tới, Mỹ và Việt Nam (trực tiếp là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quý về công tác quản lý tôn giáo.

Bộ trưởng tin tưởng trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ hỗ trợ ngành ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời có chính kiến để đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt về tôn giáo (SWL), không đưa vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC).

Cũng tại buổi tiếp, Bộ trưởng và Đại sứ Marc E. Knappe trao đổi nhiều nội dung liên quan tới lĩnh vực dân tộc miền núi; hỗ trợ Việt Nam giám định tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, và tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Việt Nam…

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mong-my-va-viet-nam-tang-cuong-chia-se-thong-tin-kinh-nghiem-quan-ly-ton-giao-2394009.html