Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Không để chính sách làm chậm bước tiến đổi mới sáng tạo

Muốn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, bảo vệ môi trường sống, bắt buộc phải đổi mới tư duy và cách làm, lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, đặc biệt cấp thiết đối với ngành nông nghiệp và môi trường. Đây cũng là động lực để Việt Nam sớm trở thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tuy vậy, ông Duy cũng bày tỏ sự trăn trở khi nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến các ngành, trong đó có ngành nông nghiệp và môi trường, không gắn với yêu cầu phát triển; nghiên cứu xong rồi cũng rất khó có thể thương mại hóa hoặc không có khả năng thương mại hóa để đi vào cuộc sống.

Vì thế, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng cần phải tháo gỡ vướng mắc, đổi mới cách làm, không để chính sách làm chậm bước tiến của đổi mới sáng tạo.

Nhiều đề tài nghiên cứu xong gặp bế tắc

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, của ngành nông nghiệp và môi trường, diễn ra sáng 10/5, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh Nghị quyết số 57, được ban hành trong một thời điểm rất đặc biệt - khi chuyển đổi số không còn là khái niệm mới, mà đã trở thành xu thế tất yếu.

Nghị quyết xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, ông Duy cho rằng Nghị quyết số 57-NQ/TW càng đặc biệt có ý nghĩa khi đất nước đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn, như: biến đổi khí hậu gay gắt hơn, tài nguyên suy giảm nhanh hơn, áp lực tăng trưởng xanh - phát thải thấp cao hơn. Những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống - vốn dựa vào lao động thủ công, đầu vào vật tư lớn - không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

“Muốn thay đổi cục diện, muốn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, muốn bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và các thế hệ sau - chúng ta bắt buộc phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển,” ông Duy nêu quan điểm.

Với tính cấp thiết đó, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến ứng dụng công nghệ - từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, đến giám sát môi trường bằng cảm biến, xây dựng bản đồ số, cơ sở dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng. “Đây là những chuyển biến tích cực của ngành, nhưng để xác định ‘đột phá, phát triển’ như yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW - chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Dù vậy, người đứng đầu ngành nông nghiệp và môi trường cũng thẳng thắn thừa nhận, thời gian, có một thực tế là việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu từ các cơ sở khoa học công nghệ công lập mà ít có những đề xuất từ thực tiễn từ doanh nghiệp, thậm chí là từ người nông dân.

Vì thế, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, nhiều đề tài nghiên cứu không gắn với yêu cầu phát triển; nghiên cứu xong rồi cũng rất khó có thể thương mại hóa hoặc không có khả năng thương mại hóa để đi vào cuộc sống.

 Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Cho nên chúng tôi cũng mong muốn rằng tới đây, từ năm 2026 trở đi, các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải được đặt hàng từ thực tiễn, từ doanh nghiệp, từ cấp cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để triển khai hiệu quả hơn,” ông Duy chia sẻ.

Huy động sáng kiến từ doanh nghiệp, người dân

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu một số vấn đề có tính chất gợi mở cần ưu tiên thực hiện. Thứ nhất là vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính để khơi thông điểm nghẽn; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển một số không chỉ trong khu vực công mà còn bao gồm cả khu vực tư để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành.

“Không để chính sách làm chậm bước tiến của đổi mới sáng tạo,” ông Duy nói.

Nêu thực tế, ông Duy cho biết thời gian qua cũng cho thấy khu vực tư, các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư rất mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp; nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong lĩnh vực này và tạo ra giá trị gia tăng rất lớn.

“Cho nên một trong những vấn đề mà chúng tôi quan tâm và mong các chuyên gia, nhà khoa học, thảo luận để làm sáng tỏ, cũng như góp ý cần phải thay đổi thể chế, chính sách thế nào để huy động sự vào cuộc, tham gia mạnh mẽ của khu vực tư trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,” ông Duy chia sẻ.

Tiếp đó, ông Duy cho rằng cần phải sắp xếp hệ thống tổ chức, trong đó có các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khoa học của bộ, của ngành, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” hướng đến tự chủ toàn diện trong nghiên cứu khoa học để các đơn vị nghiên cứu thực sự trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, có khả năng cạnh tranh và lan tỏa tri thức đến sản xuất và thị trường.

Giải pháp thứ ba, theo ông Duy là cần thay đổi toàn diện cách đặt hàng, giao nhiệm vụ khoa học công nghệ hằng năm. Trong đó, toàn ngành nông nghiệp và môi trường cần chú trọng nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ yêu cầu sản xuất thực tiễn, cung cấp các giải pháp khoa học công nghệ, các sản phẩm phục vụ sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, an toàn và giá trị của sản phẩm

Cùng với đó, ngành cần xác định các lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như công nghệ sinh học, công nghệ gen tạo đột phá về nguồn giống sản xuất nông nghiệp, tận dụng các công nghệ, nguồn giống tốt, quý hiếm để cải tiến, phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, ông Duy nhấn mạnh tới việc cần phải bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng, vững tay nghề, giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm; trong đó, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia trong nước, chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài và đặc biệt từ khối doanh nghiệp tư nhân để chung tay, đồng lòng cùng Bộ, ngành triển khai thắng lợi các nghị quyết và kế hoạch đã ban hành.

Giải pháp cuối cùng được ông Duy gợi mở là cần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong toàn ngành và bộ; số hóa ngay từ khi xây dựng văn bản đến sản xuất thực tiễn, bảo đảm mọi hoạt động được số hóa, được truy xuất toàn diện.

“Chúng ta đã có Nghị quyết đúng - rõ - mạnh từ Bộ Chính trị, đã có kế hoạch hành động chi tiết từ Bộ, đã có sự đồng hành của các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia. Điều còn lại là ý chí hành động, sự kiên định, quyết tâm đổi mới trong triển khai thực hiện,” ông Duy nói và bày tỏ tin tin tưởng hội nghị sẽ là một khởi đầu tích cực, tạo động lực mới để hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và môi trường thực sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-do-duc-duy-khong-de-chinh-sach-lam-cham-buoc-tien-doi-moi-sang-tao-post1037699.vnp