Sản phẩm, hàng hóa rủi ro cao bắt buộc phải tiền kiểm, công bố hợp quy

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sản phẩm, hàng hóa rủi ro cao bắt buộc phải tiền kiểm, công bố hợp quy trước khi ra thị trường.

Sáng 10-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, về công bố hợp quy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một quy chuẩn kỹ thuật thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật; đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục công bố hợp quy và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về công bố hợp quy được dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật để hạn chế việc phải thực hiện thử nghiệm, chứng nhận lặp lại, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cho phép được thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết FTA thế hệ mới.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu; chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và chủ trương trong Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Trong đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau), đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang), đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng cần bãi bỏ quy định về công bố hợp quy đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. “Không có quốc gia nào quy định người sản xuất kinh doanh công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường”, các đại biểu chung nhận định.

Các đại biểu cho rằng quy định công bố hợp quy gây lãng phí về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam, gây ra gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước; chưa phù hợp với chủ trương chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; khiến các đối tác thương mại nhìn nhận đây là “hàng rào thuế quan”, gây khó khăn cho việc mở rộng thị trường.

“Dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ “đối phó” bằng cách lấy mẫu tốt nhất đi kiểm nghiệm nhưng sản xuất đại trà với nguyên liệu và quy trình không được kiểm soát chặt chẽ. Hậu quả là dù đã có chứng nhận hợp quy nhưng chất lượng lại không bảo đảm khi đến tay người tiêu dùng”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói và liên hệ đến sự việc 600 loại sữa “giả” bị phát hiện vừa qua.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn thành phố Huế) cho rằng, cần xem xét điều chỉnh quy định về công bố hợp quy. Theo đại biểu, việc công bố hợp quy là công cụ cơ bản để kiểm soát chất lượng hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, đồng thời bảo đảm an toàn về sản phẩm, hàng hóa, quy trình, môi trường. Từ quan điểm này, đại biểu đề nghị rà soát, cập nhật hệ thống quy chuẩn nhanh, hài hòa với quy chuẩn quốc tế để tăng hiệu quả áp dụng và hội nhập; cải tiến quy trình công bố hợp quy theo hướng điện tử hóa, rút gọn thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh “hậu kiểm”, tăng cường giám sát thực chất…

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn

Giải trình, làm rõ về quy định công bố hợp quy, dẫn chứng từ vụ việc “bánh phở chứa formol”, hay gần đây nhất là vụ việc “sữa giả” và thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu không có công cụ chứng nhận hợp quy để quản lý, giám sát thì sẽ ảnh hưởng, rủi ro đến an toàn, sức khỏe của người dân, cộng đồng và môi trường.

“Vấn đề là chúng ta quản lý những loại nào, quản lý đến đâu và quản lý bằng cách nào”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng cần thay đổi phương thức về chứng nhận hợp quy, trong đó, sản phẩm, hàng hóa rủi ro cao bắt buộc phải tiền kiểm, công bố hợp quy trước khi ra thị trường.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/san-pham-hang-hoa-rui-ro-cao-bat-buoc-phai-tien-kiem-cong-bo-hop-quy-701813.html