Bộ trưởng GD&ĐT: Chúng tôi chờ đón đợt giám sát của Quốc hội
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, hoạt động giám sát của Quốc hội là sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan nhất.
Sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan
Chiều 14/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông"’.
Thay mặt cơ quan chịu sự giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi tổ chức và triển khai hoạt động giám sát việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết số 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội.
"Chúng tôi chờ đón đợt giám sát này vì chúng tôi hiểu rằng, tự mình truyền thông và giải thích trước xã hội và trước Quốc hội rất nhiều cũng khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất cho toàn thể nhân dân", ông Sơn nói.
Chia sẻ thêm, tư lệnh ngành GD&ĐT cho biết, ngành giáo dục với hơn một triệu nhà giáo đã làm rất nhiều việc, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế.
"Đây là lần đầu tiên kể từ khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018 có một đoàn giám sát làm việc với quy mô sâu rộng toàn diện toàn quốc như vậy”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đánh giá cao cách thức tiến hành công việc của đoàn giám sát, làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, sâu sát thực tiễn và với tinh thần thấu hiểu và xây dựng.
Đoàn đã tiếp xúc nhiều và trực tiếp với các giáo viên, đến với trường học, với những vùng sâu vùng xa, với các cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở.
"Điều đáng quý nhất là sau đợt giám sát này, nhiều thành viên trong đoàn giám sát cũng bày tỏ rằng đã có điều chỉnh cách nhìn về ngành giáo dục và có sự cảm nhận lạc quan hơn, ấm áp và tươi sáng hơn về trường học và về giáo dục", ông Sơn cho hay.
Cải cách giáo dục ở giai đoạn chống dịch ngặt nghèo
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, giai đoạn 2019-2023, ngành giáo dục vừa triển khai ứng phó với đại dịch Covid-19 vừa tiến hành cải cách giáo dục.
"Giai đoạn ngặt nghèo sống - chết đó, nhưng con tàu cải cách giáo dục của chúng ta đang lao nhanh về phía trước, chỉ có đường tiến không có đường lui. Vì vậy, trong mục tiêu kép, nhiệm vụ kép, đạt được những gì như báo cáo đã ghi nhận, đó là một nỗ lực phi thường của hàng triệu giáo viên và học sinh", ông Sơn nói.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện bộ đang điều chỉnh Thông tư 25 về việc chọn sách; đang cải thiện việc kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách, việc hướng dẫn giáo viên cũng đã và đang được điều chỉnh dần.
Chính phủ đang chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc xuất bản sách giáo khoa dạy tiếng các dân tộc thiểu số, tháo gỡ khó khăn trong xuất bản tài liệu giáo dục địa phương. Chính phủ cũng đã giao Bộ GD&ĐT khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa sách giáo khoa.
Ông Sơn kiến nghị UBTVQH, ngoài nghị quyết giám sát chuyên đề này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục.
"Cần có nhất lúc này là một nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc, nhiều áp lực", ông Sơn nói.
Tư lệnh ngành GD&ĐT cũng chia sẻ, nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Bên cạnh đó, cũng cần đủ trường lớp, trường lớp được kiên cố, khang trang, đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa, đủ nhà vệ sinh cho trường học, đủ trang thiết bị cho giáo dục, đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động…
"Nếu không có những cái tối thiểu đó thì ngành giáo dục, các nhà giáo có nỗ lực mấy cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn", ông Sơn nói.