Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: 'Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành'

'Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành. Lãnh đạo Bộ sẽ làm mọi việc, mọi giải pháp để phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo' - Bộ trưởng GD&ĐT chia sẻ trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành vào sáng nay, 15/8.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng chủ trì phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng chủ trì phiên họp.

Lực lượng nhà giáo phải tự đổi mới bản thân

Phát biểu kết luận buổi đối thoại sáng nay, nội dung cuộc trao đổi hôm nay không dừng ở đây, các câu hỏi sẽ tiếp tục được phân tích theo các nhóm và sẽ trả lời theo từng nhóm và trả lời công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng xin được gửi một thông điệp với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành: chúng ta cần kiên định con đường và mục tiêu đổi mới các định hướng mang tính chiến lược của ngành của ngành.

Thứ nhất: Chúng ta phải kiên trì, kiên trì và thuyết phục vận động với phụ huynh, để phụ huynh chia sẻ và đồng hành với chúng ta.

Thứ hai: Chúng ta kiên quyết chống tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực và kiên quyết theo đuổi mục tiêu chất lượng, phát triển con người.

Thứ ba: Giáo viên cần kiên trinh với nghề giáo dục, vinh quang của nghề giáo dục dẫu có khó khăn đến đâu. Đây là truyền thống của ngành chúng ta.

Bộ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể đội ngũ nhà giáo, những nhà quản lý giáo dục lời cảm ơn sâu sắc dẫu có còn khó khăn vẫn vượt qua thử thách.

Có một người nổi tiếng đã từng nói “thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, hiện giờ chúng ta đang muốn thay đổi thế giới, điều trước tiên là phải làm cho các thầy cô giáo hạnh phúc, nhưng hạnh phúc trước hết từ ta, do chúng ta. Chúng ta cần bước ngay vào hành trình cùng làm cho chúng ta hạnh phúc; trường học với các học trò thân yêu của chúng ta và hạnh phúc của chúng ta đang chờ ở nơi đó.

“Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành. Lãnh đạo Bộ sẽ làm mọi việc, mọi giải pháp để phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT sẽ làm gì cho nhà giáo?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, chắc chắn trong thời gian tới Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách.

Hiện nay có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các Bộ, ngành, lượng chính sách lớn như vậy sẽ khó triển khai. Nhiều chính sách phải thông qua các Bộ, ngành khác, không phải việc riêng của ngành.

Việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại những chuyển biến tích cực về thể chế. Bộ sẽ làm nhiều việc để làm sao khối giáo dục công – tư được bình đẳng trong thực tế. Trước hết là đối đãi, ứng xử bình đẳng, phát huy hệ thống ngoài công lập để cùng chia sẻ, để xã hội được hưởng thụ giáo dục đa dạng hơn.

Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Đang làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Bộ GDĐT cũng đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai. Đang có sửa đổi trong Thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp.

"Có rất nhiều việc đang làm để phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo. Bao gồm cả chính sách thi đua khen thưởng. Đang làm mọi việc để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, phát triển hệ thống các trường sư phạm"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT cho biết, trước đó đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục ĐH.

Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình GDPT 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); Chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); Điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-truong-gddt-nguyen-kim-son-nha-giao-la-tai-san-quy-nhat-cua-nganh-post1560458.tpo