Bộ trưởng Giáo dục: 'Mong học sinh đoạt giải quốc tế không tạo ra gánh nặng cho chính mình'
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong rằng các học sinh, phụ huynh coi những tấm huy chương quốc tế là năng lượng cho chặng đường sắp tới và là sự động viên cho tương lai, hơn là tạo ra gánh nặng cho chính bản thân mình.
Sáng nay (18/12), Bộ GD-ĐT tổ chức chương trình tuyên dương 31 học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021.
Trong năm 2021, Bộ GD-ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 37 lượt học sinh tham gia các kỳ thi Olympic Tin học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Olympic Vật lí khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và 5 kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán học, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học.
Kết quả, tất cả các thí sinh dự thi đều đoạt giải, gồm 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen (giải Khuyến khích). Theo thống kê, các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.
Bên cạnh đó, năm 2021, Việt Nam cũng có 7 dự án tham dự Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021 và có 1 dự án đoạt giải chính thức của Hội thi, 2 dự án đoạt đặc biệt do các tổ chức khoa học – công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chúc mừng, biểu dương các học sinh giành thành tích cao.
Ông Sơn nhấn mạnh “Các em đã khẳng định, thể hiện được mình, có những kết quả sau một quá trình nỗ lực phấn đấu, đồng thời đem lại vinh quang cho cá nhân, cho gia đình, ngôi trường, quê hương và cho đất nước. Những gì các em giành được trong điều kiện bình thường vốn đã rất quý, thì trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh lại càng đáng trân quý hơn”.
Chia sẻ với những học sinh đoạt giải quốc tế, ông Sơn khẳng định những kết quả này là sự chỉ báo, những dấu hiệu cho thấy các em có những năng lực vượt trội, những tiềm năng lớn có thể đưa các em đi xa, đạt thành công lớn trong tương lai.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục nhắn nhủ "Người ta nói rằng để tiếp nhận sự thất bại là một việc khó, nhưng đón nhận vinh quang cũng không hề dễ. Các em cần nhìn nhận đây là một sự động viên trong chặng đường dài sắp tới. Với một năng lực tiềm tàng và những khả năng đặc biệt, điều quan trọng nhất là các em phải biết lập chí, tức là xác định con đường cần đi, khoảng cần phấn đấu, tầm nhìn nghề nghiệp và biết phải đi như thế nào.
Nếu sự lập chí của con người nhỏ bé, người ta sẽ dễ thỏa mãn. Nếu như đích cần hướng đến quá lớn và rộng dài chúng ta sẽ dễ mệt mỏi và thoái chí.
Nên, chính các em hãy lắng nghe bản thân mình, biết mình có thể làm gì và ra sức gắng để đạt được. Điều quan trọng là các em đừng quá tự gây áp lực cho chính bản thân mình mà trong sự phấn đấu mỗi ngày, ngày hôm sau các em cảm thấy đã vượt lên chính mình của ngày hôm trước”.
Ông Sơn cũng mong rằng các phụ huynh đừng quá gây áp lực cho con em mình. "Hãy xem những tấm huy chương là năng lượng cho chặng đường sắp tới và là sự động viên cho tương lai, hơn là tạo ra gánh nặng”.
Về chặng đường sau này, ông Sơn cho rằng các em có thể học tiếp ở trong nước hay nước ngoài, có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu mà các em thấy thích hợp.
"Nhưng bên cạnh sự rèn luyện, tri thức, năng lực làm việc, mong các em hãy quan tâm đến cách sống, đến nghệ thuật, đến những điều khiến các em có thể sống ở đời một cách hạnh phúc. Trước hết, hãy đem lại niềm vinh quang cho chính mình, và theo đó, gia đình, đất nước cũng được vinh quang”.