Bộ trưởng Giao thông Vận tải nêu giải pháp hạ giá vé máy bay
Tình trạng giá vé máy bay tăng cao đang là vấn đề nhận được sự quan tâm từ nhiều phía.
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nêu thực trạng giá vé máy bay nội địa của Việt Nam đang ở mức cao hơn so với nhiều nước khác mặc dù Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mới được ban hành. Thực tế, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vé máy bay như giá nhiên liệu, tỷ giá, số lượng máy bay đang hoạt động... Song, việc sụt giảm đến 40 chiếc máy bay so với cùng kỳ khiến rất khó để hạ giá vé vào thời điểm hiện tại.
Theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, giá vé máy bay vẫn đang có Thông tư 34 khống chế giá trần bay nội địa. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá vé máy bay đã có sự biến động với mức điều chỉnh tăng khoảng 3 - 8% do giá nguyên nhiên liệu và tỷ giá. Mặc dù giá vé máy bay hiện đang ở mức cao, nhưng theo thống kê thì đã giảm khoảng 5% so với thời điểm cuối năm 2023 và đang ở mức khoảng 70% so với giá trần.
Hiện nay, Việt Nam đang có tổng số 208 máy bay. Tuy nhiên, theo kế hoạch triệu hồi của nhà sản xuất, sẽ có 45 động cơ bị thu hồi trong năm nay. Tính từ đầu năm, đã có 22 máy bay bị thu hồi, do đó chỉ còn 186 máy bay đang hoạt động. Thời gian tới sẽ tiếp tục thu hồi thêm 23 máy bay. Có thể thấy, vì thời gian thu hồi quá sát sao đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt máy bay, từ đó khiến một số chuyến bay bắt buộc phải cắt giảm.
"Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo các hãng hàng không phải tăng cường kiểm tra, công khai niêm yết giá vé. Cùng với đó, phối hợp với Bộ để nghiên cứu trình Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm giảm giá và kiểm soát giá vé máy bay", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo.
Cụ thể, trong thời gian tới, Bộ đang đề nghị các hãng máy bay phải thuê thêm máy bay, bao gồm cả những máy bay đang được cho thuê. Mặc dù giá thuê lại lần hai sẽ rất cao, nhưng với thực trạng hiện tại, đây là điều phải chấp nhận. Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ thuê thêm 6 chiếc, Vietjet thuê thêm 8 chiếc, Vietravel Airlines thuê thêm 1 chiếc.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng thời gian khai thác máy bay hàng ngày, tăng cường sử dụng các khung giờ kể cả về đêm, giảm tối đa thời gian chờ và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.