Bộ trưởng Hải quân Mỹ thừa nhận không theo kịp tốc độ phát triển tàu chiến của Trung Quốc
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro nhấn mạnh Washington cần nâng cấp hạm đội Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng sở hữu một lực lượng hùng mạnh và triển khai hạm đội nước này ra toàn cầu.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở thủ đô Washington, D.C. Bộ trưởng Del Toro cho biết hải quân Trung Quốc có ưu thế đáng kể trước đối thủ Mỹ, bao gồm việc sở hữu hạm đội lớn hơn và năng lực đóng tàu lớn hơn.
“Họ có một hạm đội lớn hơn nên họ đang triển khai hạm đội đó trên toàn cầu. Chính vì vậy, chúng ta cần một lực lượng hải quân lớn hơn, cần nhiều tàu hơn, hiện đại hơn trong tương lai, đặc biệt là những tàu có thể đối phó với mối đe dọa đó”, nhà chức trách nêu rõ.
Để so sánh, Hải quân Trung Quốc cho biết lực lượng này đang có 340 tàu và có thể biên chế tới 400 tàu trong những năm tới. Trong khi đó, hạm đội Mỹ có chưa đến 300 tàu.
Theo Kế hoạch Điều hướng 2022 của Hải quân Mỹ công bố vào mùa hè năm ngoái, mục tiêu của Lầu Năm Góc là sở hữu 350 tàu có người lái vào năm 2045, một con số thua kém rất nhiều so với dự báo cho hạm đội của Trung Quốc.
Thậm chí, theo một báo cáo tháng 11/2022 của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, trước khi đạt được mục tiêu đó, hạm đội của Mỹ dự kiến còn giảm số lượng tàu do các tàu cũ đã ngừng hoạt động.
Ông Del Toro chỉ ra các nhà máy đóng tàu của hải quân Mỹ không thể so sánh được với sản lượng của các nhà máy Trung Quốc.
“Họ có 13 nhà máy đóng tàu và một số nhà máy đóng tàu có công suất lớn hơn đáng kể. Họ còn sở hữu một nhà máy đóng tàu có công suất lớn hơn tất cả các nhà máy đóng tàu của chúng ta cộng lại. Điều đó gây ra một mối đe dọa thực sự”, ông Del Toro tuyên bố.
Mặc dù người đứng đầu Hải quân Mỹ không đưa ra con số cụ thể về các xưởng đóng tàu đó, nhưng các báo cáo của Trung Quốc và phương Tây cho biết Trung Quốc có 6 xưởng đóng tàu lớn và 2 xưởng nhỏ hơn đang đóng tàu hải quân.
Trong khi đó, theo một báo cáo tháng 10/2022 của Trung tâm Quốc phòng, Mỹ chỉ có 7 nhà máy đóng tàu sản xuất các tàu hoạt động ở vùng nước sâu.
Bên cạnh đó, một ưu thế khác trong các nhà máy đóng tàu Trung Quốc là số lượng công nhân. Đây là một vấn đề nan giải của Mỹ.
“Khi bạn có tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, điều đó thực sự là một thách thức cho dù bạn đang nỗ lực tìm nhân viên cho một nhà hàng hay công nhân cho một xưởng đóng tàu”, ông Del Toro lý giải.
Theo một báo cáo hồi tháng 11/2022 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Hải quân Mỹ đã thực hiện các bước đi để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, bao gồm việc cử thêm hạm đội đến Thái Bình Dương và sử dụng các tàu mới hơn, có khả năng hơn trong đảm nhiệm các sứ mệnh ở Thái Bình Dương.
Trước một loạt khó khăn mà Hải quân Mỹ phải đối mặt, Bộ trưởng Del Toro vẫn chỉ ra một lợi thế mà lực lượng này nắm giữ so với Trung Quốc. “Các công ty của chúng ta đóng tàu tốt hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi có một lực lượng hải quân hiện đại hơn, có năng lực hơn, gây ra sát thương hơn. Bên cạnh đó, có một sự khác biệt cơ bản trong cách chúng tôi huấn luyện Thủy quân lục chiến, thủy thủ, binh lính, phi công và lực lượng không gian. Điều này mang lại cho chúng ta lợi thế vốn có trước bất cứ mối đe dọa nào từ Trung Quốc”, Bộ trưởng Del Toro kết luận.