Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nên kết thúc việc hỗ trợ thuế vào cuối năm 2024

Sáng 15/7, phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: 3-4 năm trở lại đây, dù còn nhiều khó khăn nhưng nước ta vẫn thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, tức là thực hiện giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Nên thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt từ năm 2025. Ảnh: Đức Minh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Nên thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt từ năm 2025. Ảnh: Đức Minh

Theo đó, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân...; giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024.

Trong 4 năm và 6 tháng qua, số tiền giãn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất để hỗ trợ người dân và DN lên đến hơn 768 nghìn tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm đã giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 200 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng (thực hiện giãn, giảm thuế, phí cho người dân và DN) nên thực hiện trong năm 2024 để kết thúc một chu kỳ hơn 4 năm qua để chuyển sang một chu kỳ mới từ năm 2025.

Theo đó, thời gian tới, cần tăng cường năng lực cho tài chính công, tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có tác dụng lan tỏa, đầu tư hơn nữa cho công tác an sinh xã hội... Vì vậy, cần thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt từ năm 2025. Việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt nhằm đảm bảo an toàn tài chính công; có nguồn lực cho thực hiện cải cách tiền lương...

Về lâu dài, theo Bộ trưởng, cần thực hiện các giải pháp căn cơ hơn để hỗ trợ DN như hoàn thiện các chính sách còn vướng mắc để khơi thông nguồn lực, tăng cường nguồn lực cho DN phát triển; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển... từ đó có nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ để hoàn thiện các chính sách còn vướng mắc, để khơi thông các nguồn lực, đảm bảo các nguồn lực được huy động một cách có hiệu quả, cho tăng sức sản xuất cho DN để đảm bảo các nguồn thu bền vững; quản lý sát các nguồn thu, đôn đốc các cơ quan thuế thực hiện công tác thu đúng đắn, công khai, minh bạch; kiểm soát chặt việc hoàn thuế GTGT, xử lý nghiêm các vi phạm về hóa đơn.../.

6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 64,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 57,4% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 60,1% dự toán, tăng 19,7% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1% so với cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, kết quả này có được nhờ nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành tài chính và sự nỗ lực của các địa phương. Đồng thời, kết quả thu ngân sách 6 tháng qua cũng tăng tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế của cả nước. 6 tháng, GDP tăng 6,42%, lạm phát tăng 4,08%.

THÙY ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-nen-ket-thuc-viec-ho-tro-thue-vao-cuoi-nam-2024-33036.html