Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp ưu tiên trả nợ cho nhà đầu tư
Sáng ngày 18/8, tại Bộ Tài chính đã diễn ra cuộc họp lần thứ 4 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp ưu tiên trả nợ cho nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác dự và chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp còn có các thành viên Tổ công tác là lãnh đạo một số bộ, ngành và Nhóm giúp việc tổ công tác.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ổn định trở lại
Liên quan đến thị trường TPDN, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn từ 2017-2022, thị trường TPDN phát triển mạnh, góp phần từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng theo chủ trương và định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, hình thành nên kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, thị trường thời gian qua tăng trưởng nóng, phát sinh một số rủi ro từ cả DN phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư cá nhân. Năm 2022, thị trường TPDN biến động mạnh do những vụ việc vi phạm pháp luật, đồng thời kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, lãi suất tăng, có thời điểm thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để ổn định thị trường. Theo đó, đã triển khai đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành hợp lý chính sách tài khóa (giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công). Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt (đảm bảo thanh khoản, giảm lãi suất, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, giãn nợ, chuyển nhóm nợ...); tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có thị trường bất động sản…
Từ đầu năm đến 28/7/2023, có 36 DN phát hành riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng. Theo đó thị trường TPDN đã ổn định trở lại nhưng chưa phục hồi do kinh tế khó khăn nên nhu cầu vốn của DN giảm. Bên cạnh đó, cầu đầu tư TPDN liên tục giảm do theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các DN bảo hiểm từ năm 2023 không được đầu tư một số sản phẩm TPDN, nhà đầu tư cá nhân còn rất thận trọng, DN và tổ chức cung cấp dịch vụ quan ngại việc thanh kiểm tra nên lựa chọn phương thức vay vốn khác.
Trên thực tế, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho hoạt động của thị trường TPDN từng bước được ban hành từ luật, nghị định đến thông tư. Việc phát triển thị trường TPDN đã và đang theo đúng định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng; giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu Chính phủ và TPDN. Theo đó, các doanh nghiệp đã bước đầu tăng huy động vốn từ phát hành trái phiếu, giảm sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Nhà đầu tư có thêm sản phẩm đầu tư trên thị trường vốn. Các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung, dài hạn, đặc biệt là các TCTD.
Với việc triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn. Hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tạo điều kiện cho việc cải thiện tháo gỡ áp lực thanh khoản về lâu dài.
Xử lý nghiêm các doanh nghiệp chây ì không trả nợ
Theo Bộ Tài chính, thời gian tới tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước bao gồm Luật DN, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn về phát hành TPDN riêng lẻ.
Nhà nước điều hành đảm bảo ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho DN ổn định hoạt động, có nguồn thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo hợp đồng trái phiếu.
Nhà nước tạo cơ chế xử lý bằng biện pháp kinh tế, tuân thủ quy luật thị trường theo quy định của pháp luật hiện hành và khuyến khích DN và nhà đầu tư thỏa thuận phương án thanh toán trái phiếu trong trường hợp DN không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành, đảm bảo an ninh trật tự trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
DN có trách nhiệm đến cùng với các khoản nợ và không chuyển trách nhiệm, rủi ro của DN thành trách nhiệm, rủi ro của Nhà nước. Đồng thời xử lý nghiêm việc DN chây ì không trả nợ và các trường hợp lợi dụng gây rối ANTT. Nhà đầu tư tự đánh giá khả năng tổ chức phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý từ cấp Luật và tái cấu trúc thị trường TPDN theo hướng khuyến khích phát hành ra công chúng, tiến tới phát hành riêng lẻ chỉ tập trung vào nhà đầu tư tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu kết luận cuộc họp nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát tổng thể, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát hành TPDN riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp).
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư để duy trì tăng trưởng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đặc biệt lưu ý các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thanh toán đầy đủ đối với các trái phiếu đến hạn, ưu tiên trả nợ cho trái chủ, góp phần ổn định trật tự xã hội. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhất là về phạm vi pháp luật, thao túng, trục lợi; tuyên truyền về trách nhiệm, quyền hạn của nhà đầu tư; tăng cường quản lý trái phiếu phát hành ra công chúng…
Trên cơ sở những ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuyên truyền rõ trách nhiệm, quyền hạn của nhà đầu tư
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhất là về phạm vi pháp luật, thao túng, trục lợi; tuyên truyền về trách nhiệm, quyền hạn của nhà đầu tư; tăng cường quản lý trái phiếu phát hành ra công chúng.