Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về giải pháp giảm giá vàng, USD
Sáng 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, có nội dung về giải pháp giảm giá vàng, USD.
Giải pháp giảm giá vàng, USD
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh, thời gian qua, có nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ?
Trả lời nội dung về giá vàng, ngoại tệ tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết vấn đề này thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, bộ Tài chính có nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, nghĩa là quản lý vùng biên giới để khi giá vàng, ngoại tệ của Việt Nam tăng cao, thì hàng lậu không tuồn vào Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý vàng, ngoại tệ nhập lậu. Thời gian qua, đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ trong nước, nước ngoài như chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỷ USD, hay hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng, hoặc vụ 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không. “Chúng tôi đang siết chặt vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Để giá vàng, USD hạ xuống, người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, cần triển khai một loạt giải pháp. Đơn cử như vàng liên quan đến cung cầu, xuất nhập khẩu; vậy thì có nhập khẩu vàng hay không? Hay siết chặt mua bán thế nào? Hay việc có sự lợi dụng tâm lý đầu tư sản xuất kinh doanh không hiệu quả, gửi ngân hàng thì lãi suất thấp, vậy nên đầu vào vàng?
Bộ trưởng chỉ rõ, cần một loạt giải pháp mới ngăn chặn được tình trạng tăng giá. Còn vấn đề đồng tiền làm thế nào để tỉ giá trước đồng USD không mất giá- sẽ là vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời bổ sung.
Lý do đặt cược bóng đá, đua ngựa chưa triển khai
Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn viện dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, nhiều nơi đã lợi dụng hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng để tổ chức đánh bạc hoặc đặt cược trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng có những thay đổi như thế nào trong thời gian qua? Tại sao đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược nào? Đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để công tác quản lý trong lĩnh vực này đạt hiệu quả?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có 93 trò chơi điện tử được đặt ở các khách sạn 5 sao, tuy nhiên điều kiện để được đặt ở đó là doanh nghiệp phải có vốn 500 tỷ đồng trở lên, phải có hệ thống thiết bị điện tử, đội ngũ chuyên nghiệp để giám sát.
Theo Bộ trưởng, các trò chơi đó chỉ áp dụng với người nước ngoài. Hệ thống này đã hỗ trợ các khách sạn 5 sao, giúp đạt được kết quả kinh doanh, cũng như giải quyết vấn đề lao động.
Bộ trưởng cho biết, hiện có các loại hình đặt cược về bóng đá, đua ngựa, đua chó, tuy nhiên đến nay chưa triển khai được. Khi thực hiện loại hình đặt cược về bóng đá, Bộ tiến hành xây dựng quy định để tổ chức đấu thầu, nhưng gặp vướng mắc với Luật Đấu thầu.
Vừa qua, khi sửa Luật Đấu thầu, đã đưa được quy định về vấn đề này, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai đặt cược bóng đá. Đối với đua ngựa, đua chó, chủ đầu tư cần xây dựng hệ thống chuồng đua chuẩn, có các thiết bị, nhân công chuyên nghiệp, đảm bảo để triển khai.
“Đây là loại hình mới, Bộ đang tích cực nghiên cứu, triển khai đồng thời ngăn ngừa rủi ro ở hình thức này”, ông Phớc khẳng định.
Đối với các hình thức này, khi cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ, để Thủ tướng Chính phủ ban hành chủ trương đầu tư, nhưng khi hoàn thành cơ sở vật chất để đạt được các điều kiện cấp phép đặt cược thì có trách nhiệm của Bộ Tài chính. Bộ trưởng nói, sẽ tích cực triển khai tháo gỡ vấn đề này.
Cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị cho biết, trên cả nước đang có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh casino, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào? Các doanh nghiệp được triển khai kinh doanh casino có đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương hay không, đặc biệt là trong việc thu hút du khách tới lưu trú, tiêu dùng tại địa phương?
“Hiện nay mới chỉ có casino Phú Quốc được thí điểm cho người Việt Nam chơi các trò chơi casino. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thí điểm này và liệu trong thời gian tới có xem xét mở rộng thí điểm cho người Việt Nam chơi casino hay không?”, đại biểu nêu chất vấn.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, hiện nay cả nước có tất cả 9 casino. Trong đó, có 3 casino lớn là Phú Quốc, Hồ Tràm, Nam Hội An, còn lại 6 casino nhỏ ở Hải Phòng, Quảng Ninh…
Theo quyết định của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, có 2 casino đang được xây dựng ở Khánh Hòa và Thừa Thiên- Huế, còn 1 casino ở Vân Đồn đang xin chủ trương.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ năm 2017 đến 2023, casino đóng góp ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng, giải quyết gần 10.000 lao động.
“Chúng ta mới cho người Việt vào chơi casino ở Phú Quốc, còn ở Vân Đồn đang đề xuất. Tuy nhiên, ở Phú Quốc, các năm đầu có 69% người Việt vào chơi, nhưng năm 2023 còn 39% là người Việt vào chơi. Tức là người Việt ngày một giảm dần, còn người nước ngoài ngày càng tăng lên”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.