Bộ trưởng Kinh tế Đức nâng mức cảnh báo đối với nguồn cung khí đốt
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck kêu gọi các tập thể và cá nhân cố gắng giảm mức tiêu thụ năng lượng của họ xuống càng nhiều càng tốt vì Đức đang cố gắng loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.
Đức có những động thái đầu tiên để bình ổn nguồn cung năng lượng
Bộ trưởng Kinh tế Đức kiêm Phó Thủ tướng Robert Habeck hôm thứ Tư đã đưa ra mức cảnh báo sớm đối với nguồn cung khí đốt khi Moscow tiếp tục yêu cầu được thanh toán bằng đồng rúp.
Động thái này là mức đầu tiên trong ba mức cảnh báo và cấp thiết phải thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng để giải quyết sự bất ổn định về nguồn cung cấp khí đốt cho nước này.
Ông giải thích: "Hiện tại chưa có tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, chúng tôi phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp giá khí đốt nhập khẩu tăng cao."
Kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn của Đức cũng đang nêu chi tiết các cách tiết kiệm khí đốt, đảm bảo nguồn cung cấp và đảm bảo các hộ gia đình có đủ lượng nhiên liệu cần thiết.
Nga yêu cầu các nước mua khí đốt phải trả bằng rúp
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố rằng Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Đức và các quốc gia khác khác nhưng họ phải thanh toán bằng đồng rúp, một động thái có thể nhằm hỗ trợ đồng tiền đã giảm giá trị gần đây.
Các nước phương Tây cho biết họ sẽ không chấp nhận yêu cầu của Nga.
Hôm thứ Ba, Moscow nhắc lại rằng họ sẽ chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp cho việc vận chuyển khí đốt tới Liên minh châu Âu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết hôm thứ Tư rằng việc yêu cầu thanh toán cho xuất khẩu năng lượng bằng đồng rúp thay vì đô la hoặc euro không phải là vi phạm hợp đồng.
Ryabkov cho biết ông mong đợi Nga và Liên minh châu Âu sẽ đạt được thỏa thuận về những khác biệt của họ trong vài ngày tới, TASS đưa tin.
EU cho biết họ đã chuẩn bị cho việc nguồn cung khí đốt từ Nga có thể bị gián đoạn
Sau thông báo của ông Habeck, Ủy ban châu Âu cho biết họ đã chuẩn bị cho việc nguồn cung khí đốt từ Nga có thể bị gián đoạn.
"Chúng tôi với tư cách là một ủy ban đã chuẩn bị trong một thời gian rất dài", Frans Timmermans, người đứng đầu chính sách khí hậu của EU nói trong một cuộc họp báo.
Ông nói: "Tất nhiên, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên để mọi người luôn sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào."
Trong khi đó, Áo thông báo rằng họ đang kích hoạt giai đoạn cảnh báo sớm về tình trạng khẩn cấp liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt của Nga do Moscow yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp.
Các đại diện của ngành công nghiệp Đức đã phản ứng tích cực với thông báo này.
Hiệp hội bảo trợ cho ngành năng lượng và nước (BDEW) cho biết đây là một bước đi quan trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt đang hiện hữu.
Người đứng đầu BDEW Kerstin Andreae cho biết: "Mặc dù hiện tại không có tình trạng thiếu khí đốt nhưng tất cả các bên liên quan cần có kế hoạch rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mình trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn".
Người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang - Klaus Müller, cũng kêu gọi người tiêu dùng và các doanh nghiệp đóng vai trò của họ trong việc đối phó với tình huống này. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm sử dụng năng lượng và sẵn sàng "cho mọi tình huống."
Giám đốc Hiệp hội công nghiệp hóa chất Đức (VCI), Christian Kullmann, nói với hãng tin Reuters rằng ông lo ngại về nguy cơ đóng cửa ở Đức.
Kullmann nói: "Nếu ngành công nghiệp của chúng tôi cạn kiệt khí đốt, chúng tôi sẽ phải đóng cửa các cơ sở sản xuất. Các nhà máy hóa chất phức tạp không thể đơn giản tắt đi bật lại như lò vi sóng."
Monika Schnitzer từ Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho rằng Đức cần chuẩn bị cho quyết định của Moscow về việc ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho nước này: "Đây là một khả năng mà chúng tôi cần chuẩn bị, nhấn mạnh tính chất khó lường của tình hình hiện tại."
Bà cũng kêu gọi các hộ gia đình giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng. Schnitzer nói: "Mỗi bước để giảm mức sử dụng sẽ giúp ích nếu điều tồi tệ hơn sắp xảy ra ".
Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga
Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga để phục vụ nhu cầu năng lượng, với hơn một nửa nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch là từ Nga, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu dễ bị tổn thương trước tác động kinh tế khí đốt.
Trong những tuần gần đây, Đức đã đẩy nhanh kế hoạch giảm sự phụ thuộc và đa dạng hóa nguồn cung.
Nếu tình hình leo thang và Đức buộc phải thực hiện mức cảnh báo cao nhất, chính phủ có thể sẽ tiếp quản việc phân phối để đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho "khách hàng được ưu tiên", có nghĩa là các hộ gia đình và bệnh viện, cùng các dịch vụ thiết yếu khác.