Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói gì về giải pháp tăng xuất khẩu nông sản?

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói trước khi nghĩ đến chính sách thị trường cần có các giải pháp về liên kết sản xuất nông nghiệp.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.

Sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã có câu hỏi chất vấn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để làm rõ về giải pháp tham mưu cho Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới đồng thời hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sở hữu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam.

Yêu cầu chuẩn hóa đối với nông sản

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước ngoài. Đồng thời yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.

Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Hoan cho biết trong thời gian vừa qua Bộ NN&PTNN và Bộ Công Thương đã liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.

“Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ thị trường nếu hàng hóa của chúng ta không chuẩn được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp.

Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa.

Bộ NN&PTNT có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt.

Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ.

Đến nay, Việt Nam đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân.

Sẽ xây dựng Hội đồng lúa gạo quốc gia

Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết Bộ đang nghiên cứu sâu về vấn đề này vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định.

Cụ thể, hiện chưa có Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu. Bên cạnh đó, vẫn còn sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Trong đó, nhãn hiệu xây dựng và bảo hộ dễ hơn, nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn, độ đồng đều đối với một sản phẩm nào đó.

 Lúa gạo là một trong những sản phẩm ông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Nam Khánh.

Lúa gạo là một trong những sản phẩm ông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Nam Khánh.

Do đó, Bộ NN&PTNT đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Muốn vậy phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, 2 Bộ này cũng đang đề xuất Chính phủ xây dựng Hội đồng lúa gạo quốc gia, đây sẽ là bước để thay đổi về mặt thể chế, không tham gia sâu vào thị trường nhưng có thể can thiệp khi xảy ra xung đột, biến cố nào đó, nhất là với ngành lúa gạo, vốn mang cả hình ảnh của quốc gia.

Sau lúa gạo, có thể là các sản phẩm chủ lực khác như sầu riêng, cà phê, hồ tiêu… Phải có sự điều hành để chuỗi ngành hàng hoạt động đồng đều trong nhiều năm mới có thể xây dựng được thương hiệu uy tín.

Về vấn đề quy hoạch nông nghiệp, Bộ trưởng Hoan cho biết đây là một vấn đề khó trong nền kinh tế thị trường và được nhiều người quan tâm để tránh thừa thiếu nông sản.

Bộ xác định không thể làm được quy hoạch đối với tất cả nông sản chủ lực nhưng tại Tây Nguyên đã có 2 năm thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu với các sản phẩm đặc trưng như cà phê, cao su, cây ăn quả.

"Chỉ khi chúng ta có được những vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, có sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp thì mới có được giá trị gia tăng và thương hiệu mạnh. Điều này cũng cần có thêm sự đồng hành, vào cuộc của các địa phương", Bộ trưởng NN&PTNT nói.

Liên quan đến vấn đề tăng lợi nhuận cho người trồng lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh giải pháp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành. Một trong những minh chứng cụ thể cho vấn đề này đó là việc thí điểm sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/bo-truong-le-minh-hoan-noi-gi-ve-giai-phap-tang-xuat-khau-nong-san-post1493139.html