Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải thoát được tư duy 'mùa vụ, thương vụ'

Tại hội thảo, các đại biểu đều thẳng thắn nhìn nhận ngành nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết.

Chiều 27-4, báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Nâng tầm nông - thủy sản Việt”.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam tuy đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản với năng lực sản xuất đạt trên 140 triệu tấn/năm nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu thô nên giá trị thu về chưa tương xứng tiềm năng. Ở thị trường trong nước, sản phẩm nông nghiệp nhiều thời điểm rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”, người nông dân có thu nhập bấp bênh.

Hội thảo “Nâng tầm nông - thủy sản Việt”

Hội thảo “Nâng tầm nông - thủy sản Việt”

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết Cần Thơ có ngành chế biến nông, thủy sản xuất khẩu khá mạnh. Thời gian qua, UBND TP rất quan tâm chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân trong việc liên kết tiêu thụ nông, thủy sản. Tuy nhiên đến nay chỉ có mặt hàng cá tra là có tỉ lệ hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ khá cao trên 90%, còn lúa gạo và các các loại rau màu, cây ăn trái chỉ đạt khoảng 30%.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Nông dân Nông trường sông Hậu thu hoạch nhãn

Nông dân Nông trường sông Hậu thu hoạch nhãn

Theo ông Hồng, các nguyên nhân gây khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bàn là sản xuất nông nghiệp với qui mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều; nông dân sản xuất tự phát bất chấp cung cầu. Vì thế câu chuyện "mất mùa được giá, được mùa mất giá" khó có thể giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, đa số nông dân chỉ quan tâm sản xuất chưa chú trọng đến việc xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, dịch vụ logistic khu vực chưa phát triển...

Còn GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng đó là hạn chế chung của cả ĐBSCL. “Hiện nay nông dân chúng ta đã chịu vào hợp tác xã nhưng việc gắn kết giữa các nông dân vẫn còn hạn chế; có khoảng 70% nông dân vẫn thích làm ăn riêng lẻ, đất đai manh mún và chỉ thích làm theo ý mình. Bên cạnh đó, gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, cần phải cải tiến. Nông dân lẫn doanh nghiệp đều thường "bẻ kèo".

GS, TS Võ Tòng Xuân

GS, TS Võ Tòng Xuân

Vấn đề về thương hiệu vẫn chưa được chú trọng, sản xuất, có sản phẩm nhưng không chịu đi đăng ký thương hiệu, đơn cử là gạo ST25. Hay khi có thương hiệu rồi thì các doanh nghiệp lại không chú trọng duy trì thương hiệu của mình dẫn đến hàng khó được coi trọng" - Giáo sư Võ Tòng Xuân đánh giá.

Bên cạnh đó, theo GS Võ Tòng Xuân hiện nay mỗi địa phương có rất nhiều sản phẩm OCOP nhưng lại có dấu hiệu phát triển tràn lan. Do đó mỗi địa phương cần phải đánh giá lại các sản phẩm OCOP của địa phương mình cái nào là nổi bật và tìm năng nhất để chú trọng phát triển, nâng tầm sản phẩm lên...

Cuối cùng là câu chuyện về Marketing. TP.HCM được xem như trung tâm liên kết vùng nhưng liên kết còn lỏng lẻo. Sản phẩm OCOP 63 tỉnh thành mạnh ai nấy làm, chưa đẩy mạnh sản phẩm nào của Việt Nam. Do đó, phải cải thiện hoạt động marketing để khách hàng khi cần có thể dễ dàng biết được ở nước ta, chỗ nào có gì, cần gì và xuất đi đâu?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Phát biểu tại hội thảo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn nhìn nhận nền nông nghiệp của chúng ta đa phần manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để giải quyết vấn đề thì mỗi doanh nghiệp ở ĐBSCL cùng ngồi lại, chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài.

Hiệp hội ngành hàng rau củ quả, thủy sản thật sự phải trở thành 1 hiệp hội cùng kiến tạo không gian phát triển với địa phương từng vùng.

Hợp tác liên kết là vấn đề rất quan trọng. Khi nào doanh nghiệp thoát được tư duy thuận mua vừa bán thì mới tạo được lòng tin của nông dân và tạo được được sự hợp tác lâu dài...

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-le-minh-hoan-phai-thoat-duoc-tu-duy-mua-vu-thuong-vu-post730760.html