Bộ trưởng Nam Phi lên tiếng về lệnh bắt ông Putin của ICC
Một bộ trưởng của Nam Phi nói rằng, việc bắt giữ ông Putin sẽ 'chẳng khác nào một lời tuyên chiến với Nga'.
Một bộ trưởng Nam Phi tuyên bố nước này sẽ không thực thi lệnh bắt ông Putin của ICC. Ảnh minh họa: WSJ
Bộ trưởng Văn phòng tổng thống Nam Phi Khumbudzo Ntshavheni ngày 8/6 tuyên bố, nước này sẽ không thi hành lệnh bắt giữ ông Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
"Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga từng ngụ ý rằng bất cứ quốc gia nào thực thi lệnh bắt ông Putin sẽ là tuyên chiến với nước Nga", bà Ntshavheni nói ngày 8/6. "Tôi không cho là Nam Phi muốn tuyên chiến với nước Nga".
Vào giữa tháng 3, ICC ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "ép buộc di chuyển dân số" - đề cập đến nỗ lực sơ tán trẻ em khỏi vùng chiến sự trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
ICC yêu cầu các nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt giữ ông Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu Tổng thống Nga tới lãnh thổ của các nước này. Điện Kremlin gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa và "không thể chấp nhận".
Tháng 8 năm nay, Nam Phi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Johannesburg. BRICS gồm 5 nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.
Nếu ông Putin tới Nam Phi tham dự, Nam Phi sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan về ngoại giao. Nội bộ chính trị Nam Phi cũng đang tranh cãi về vấn đề này. Các đảng cánh tả Nam Phi thúc giục chính phủ rút khỏi ICC và hoan nghênh ông Putin tới dự thượng đỉnh, trong khi đảng đối lập kêu gọi thực thi lệnh bắt.
Một số phương tiện truyền thông đưa tin, Nam Phi đã đề nghị Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS. Tuy nhiên, Bộ trưởng Văn phòng tổng thống Nam Phi nói với các phóng viên rằng "không có bất cứ thay đổi nào". Hội nghị thượng đỉnh BRICS vẫn diễn ra tại Johannesburg như kế hoạch. Tuần trước, Moscow cũng bác bỏ thông tin Nam Phi nhờ Trung Quốc hỗ trợ tổ chức thượng đỉnh.
Phát biểu với hãng BBC ngày 7/6, Obed Bapela, một quan chức cấp cao trong văn phòng tổng thống Nam Phi, cho biết, nước này đang thúc đẩy sửa đổi luật để cho phép Pretoria được tự quyết có bắt các lãnh đạo bị ICC truy nã hay không. Nếu dự luật được quốc hội thông qua, Nam Phi có thể "miễn trừ" cho bất cứ ai.
Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Nam Phi luôn giữ lập trường trung lập và ủng hộ đối thoại chấm dứt xung đột. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa từng tuyên bố nước này sẽ không bị kéo "vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu" về xung đột ở Ukraine.