Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Hàn Quốc: Củng cố nền tảng vững chắc, mở ra triển vọng tốt đẹp
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có chuyến thăm chính thức thành công tới Hàn Quốc và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD từ ngày 9-11/2.
Chuyến đi của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc ở thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Mối quan hệ tốt đẹp này luôn được duy trì, phát triển, kể cả trong những lúc khó khăn, tiêu biểu là thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Vị khách “xông đất” Hàn Quốc sau Tết Âm lịch năm 2022 được tiếp đón trọng thị, các buổi hội đàm, tiếp xúc cấp cao diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và chân thành.
“Những người bạn thực sự của nhau”
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trên cương vị người đứng đầu ngành Ngoại giao Việt Nam, là đoàn cấp cao đầu tiên của Việt Nam, mở màn cho năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1992-2022).
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mang tới Hàn Quốc một tinh thần quyết tâm, sẵn sàng thực hiện các trọng tâm lớn của năm 2022. Cụ thể là triển khai các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Quốc hội Park Byeong-seug và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hong Nam-ki; hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam và Hàn Quốc là “những người bạn thật sự của nhau”. Nhiều người đánh giá rằng, hiếm có người dân ở đâu hiểu nhau như người dân Việt Nam và Hàn Quốc. Đó là bởi hai nước có nhiều điểm đồng về lịch sử, văn hóa Nho giáo.
Hiện nay, kimchi đã trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm Việt Nam và người Hàn Quốc không còn lạ lẫm với món nem của Việt Nam, hay nhà hàng bulgogi của Hàn Quốc đã trở nên thân quen trong các thành phố của Việt Nam tương tự như phở có mặt khắp nơi tại Hàn Quốc.
Tại Việt Nam và Hàn Quốc, không hiếm khi thấy tà áo dài Việt Nam sánh đôi với bộ hanbok của Hàn Quốc. “Lúc gian nan mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới biết bạn là ai”, hai nước đã hỗ trợ “tương thân tương ái” trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua…
Về kế hoạch kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên sẽ tổ chức các chuyến thăm, sự kiện cấp nhà nước, trao đổi điện mừng cấp cao vào ngày kỷ niệm 22/12, dự kiến chính thức nâng cấp khuôn khổ quan hệ song phương.
Các hội đoàn hữu nghị và các địa phương của hai bên cũng sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao hai nước đã mời một số nhân vật tiêu biểu có đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển quan hệ song phương, tham gia tổng kết 30 năm quan hệ cũng như đề xuất các biện pháp mới đưa quan hệ tiếp tục phát triển. Đại sứ quán của hai nước đã tổ chức cuộc thi và bình chọn được logo chính thức sử dụng trong các hoạt động kỷ niệm.
Bộ trưởng Ngoại giao Chung Eui-yong: Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc. Những thành tựu quan trọng đã đạt được sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là nền tảng vững chắc để mở ra triển vọng tốt đẹp cho phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Hợp tác kinh tế cùng thắng
Hợp tác kinh tế là nội dung trao đổi xuyên suốt chuyến thăm. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng rằng, thương mại tiếp tục là trụ cột chính trong tổng thể quan hệ hợp tác và mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, các ngành công nghiệp tương lai.
Hướng về phía trước, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, hai nước cần nghiên cứu, có nhiều sáng kiến để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thông qua các dự án mới, lĩnh vực đầu tư mới, những mặt hàng xuất nhập khẩu mới như hợp tác sản xuất, xuất khẩu dung dịch xử lý khí thải dầu diesel, nguyên liệu thân thiện môi trường, hay hợp tác về công nghệ cao như bán dẫn, hay công nghệ và know-how trong y tế dự phòng.
Song song với việc thúc đẩy hợp tác sản xuất là việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ mũi nhọn và đào tạo, từ ngành nghề đơn giản đến công nghệ tiên tiến tại các trung tâm nghiên cứu hiện đại của hai nước.
Mức độ phụ thuộc vào nhau giữa hai nước ngày càng cao và thành công của nước này sẽ giúp nước kia vững bước trên con đường phát triển. Việc hai nước thúc đẩy hợp tác theo hướng bền vững, cộng sinh, cùng thắng với sự tin cậy ngày càng cao sẽ giúp hai nước cùng phồn vinh, thịnh vượng.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan: Tôi được biết người Việt Nam rất coi trọng vị khách “xông đất” vào ngày đầu tiên của năm mới do quan niệm đó là người sẽ mang lại may mắn cho cả năm. Và vị khách đầu tiên “xông đất” Hàn Quốc ngay sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch chính là Việt Nam.
Tích cực vai trò điều phối ASEAN - Hàn Quốc
Thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn đa phương cũng được Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong những trao đổi với lãnh đạo Hàn Quốc. Việt Nam sẽ tích cực phát huy vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc, chung tay thúc đẩy quan hệ phát triển, hướng tới thiết thực kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Hàn Quốc năm 2024.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Việt Nam và Hàn Quốc kiên trì lập trường tích cực trong duy trì hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, tôn trọng tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; ủng hộ ASEAN và Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982.
Đảm nhiệm trọng trách mới
Nhân dịp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann khẳng định, ASEAN là khu vực ưu tiên chiến lược, OECD mong muốn thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ các thành viên ASEAN trong cải cách kinh tế, gắn kết và ngày càng tiệm cận các tiêu chuẩn của OECD.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất ba lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường quan hệ đối tác OECD và ASEAN trong thời gian tới.
Một là, OECD tiếp tục hỗ trợ, phối hợp tư vấn chính sách cho ASEAN và các nước khu vực trong quá trình chuyển đổi số.
Hai là, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ số hóa, được đào tạo và tiếp cận công nghệ số, trong đó chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong chuyển đổi số, tăng cường quan hệ đối tác công - tư.
Ba là, OECD tăng cường hợp tác, hỗ trợ ASEAN phát triển nền kinh tế ít carbon, thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 hướng đến tương lai xanh hơn và bền vững hơn.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị SEARP, Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò đồng Chủ tịch SEARP của OECD nhiệm kỳ 2022-2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vai trò trong tổ chức Việt Nam không phải là thành viên. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn các thành viên OECD và ASEAN; khẳng định Việt Nam vinh dự được tín nhiệm lựa chọn đảm nhiệm vai trò đồng Chủ tịch Chương trình trong giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực.
Với những định hướng được thông qua tại Tuyên bố chung và MOU OECD - ASEAN, vai trò đồng Chủ tịch của Australia và Việt Nam, Chương trình SEARP sẽ tiếp tục là cầu nối tăng cường hợp tác, gắn kết giữa OECD với Đông Nam Á.
Chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Tổng thư ký Mathias Cormann đánh giá cao Việt Nam đã được các thành viên SEARP tín nhiệm bầu giữ vai trò đồng Chủ tịch Chương trình SEARP; tin tưởng với vai trò, vị thế và uy tín trong khu vực, Việt Nam cùng với Australia sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động của Chương trình.
OECD và các nước thành viên sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong các nỗ lực phục hồi kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.