Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Những thách thức của đại dịch COVID-19 sẽ sớm lùi lại phía sau
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: 'Tôi có niềm tin chắc chắn rằng với tầm nhìn dài hạn và bao trùm trong các quyết sách chỉ đạo, điều hành đất nước, những thách thức của đại dịch sẽ sớm lùi lại phía sau'.
Trao đổi với báo chí, trong buổi phỏng vấn cuối năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: "Tôi có niềm tin chắc chắn rằng với tầm nhìn dài hạn và bao trùm trong các quyết sách chỉ đạo, điều hành đất nước, những thách thức của đại dịch sẽ sớm lùi lại phía sau và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam vươn lên, đạt các mục tiêu 5 năm, 10 năm tới là rất lớn".
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Cơ hội nền kinh tế Việt Nam vượt lên khó khăn là rất lớn".
Ông nói: Chúng ta đã trải qua năm 2021 - năm đầu tiên nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026 với đầy rẫy những khó khăn, thách thức. Nhưng, bằng bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, truyền thống dân tộc, ý chí quật cường, tất cả vì sự phát triển của đất nước chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn cuộc sống nhân dân.
Chúng ta lại có sự đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Lãnh đạo lại luôn luôn sẵn sàng vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt. Quan trọng hơn, sau những sóng gió, trạng thái bình thường mới đang trở lại trong từng căn nhà, góc phố, từng gia đình, công xưởng...
Chúng ta có giải pháp phù hợp, ngoài các giải pháp tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, có thêm các giải pháp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp này sẽ có tác động nhanh chóng đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngay sau khi ban hành Nghị quyết 128, khu vực doanh nghiệp đã quay trở lại rất hào hứng, hoạt động hết công suất, thậm chí vượt công suất để đáp ứng các đơn hàng. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng cũng như góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong những kết quả tích cực về điều hành kinh tế- xã hội năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đóng góp những gì trong thành tích chung đó, thưa Bộ trưởng?
-Những đóng góp của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm qua được khái quát ở 5 nội dung có ý nghĩa rất quan trọng.
Một là, thực hiện xuất sắc vai trò quan trọng của một cơ quan tham mưu. Bộ đã tham mưu xây dựng, trình ban hành nhiều văn kiện, tài liệu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, là khung khổ, định hướng để phát triển đất nước, như: các Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xanh; các Kế hoạch trung hạn 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, Đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế...; các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ để sớm đưa các Nghị quyết, phương hướng, kế hoạch thành nhiệm vụ, hành động cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu và được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước đến năm 2045, với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hai là, tiếp tục tiên phong trong đổi mới, cải cách về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn liền với thẩm quyền, trách nhiệm, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn là cơ quan có số nhiệm vụ, chương trình, đề án được giao nhiều nhất trong số các cơ quan của Chính phủ, nhưng tỷ lệ hoàn thành cũng luôn ở mức cao nhất với 100% nhiệm vụ được giao.
Ba là, toàn ngành đã luôn nỗ lực vượt lên chính mình, đổi mới và đi tiên phong cả trong tư duy và hành động; thực hiện tốt vai trò “tổng tham mưu trưởng của nền kinh tế”. Bộ đã bám sát tình hình dịch bệnh, đánh giá, dự báo tác động tới kinh tế - xã hội để kịp thời đề xuất, tham mưu nhiều nhiệm vụ, giải pháp chính xác.
Những ý kiến tham mưu của Bộ đã giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những nhiệm vụ, giải pháp, chính sách quan trọng và xoay chuyển tình hình, chuyển hướng chiến lược về phòng chống dịch Covid-19…
Những nỗ lực, đóng góp tham mưu của toàn ngành được thể hiện trong chính những văn bản của Chính phủ, như: các Nghị quyết số 63/NQ-CP; số 105/NQ-CP; số 128/NQ-CP… và đặc biệt là Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội vừa thông qua.
Bốn là, thực hiện chiến lược và công tác cán bộ một cách bài bản, khoa học với tầm nhìn dài hạn.
Năm là, hiện thực hóa quan điểm của Đảng “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” trong toàn ngành. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, toàn ngành đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ người yếu thế...
Theo Bộ trưởng, chúng ta sẽ đối diện với những khó khăn nào trong năm 2022 và cần phải làm gì để vượt qua những khó khăn này?
-Năm 2021 rất khó khăn nhưng Chính phủ đã thành công khi tạo dựng tốt hơn vai trò, vị thế đất nước, vun đắp niềm tin người dân, người lao động, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế vào sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, một Chính phủ kiến tạo phát triển.
Bước sang năm 2022, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, tập trung phòng chống hiệu quả dịch Covid-19. Cùng với đó là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh, nhằm có thêm điều kiện, nguồn lực phòng chống dịch. Chống dịch tốt là điều kiện tiên quyết để kinh tế có thể phục hồi. Đây là mối quan hệ biện chứng, chúng ta phải thực sự quan tâm, thực hiện quyết liệt, chính xác, kịp thời cả hai khía cạnh này trong năm 2022.
Chúng ta không thể vì dịch Covid-19 mà sao nhãng, lơ là các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Nếu dừng lại quá lâu trước rào cản, thách thức, chúng ta sẽ để lỡ cơ hội phát triển.
Thời gian, vận hội không chờ đợi ai, chúng ta nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất. Chúng ta cần phải “phục hồi hiệu quả, phát triển bứt phá để không tụt hậu”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Những thách thức do đại dịch COVID-19 rồi sẽ sớm ở lại phía sau".
Bộ trưởng đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm nào cho ngành trong năm 2022?
-Những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và cũng là những nội dung quan trọng của cả nền kinh tế trong năm 2022.
Một là, khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nhanh sản xuất - kinh doanh. Trong đó, tổ chức thực hiện phải đồng bộ, nhanh, hiệu quả, phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì.
Các mục tiêu, định hướng đề ra phải được chuyển hóa thành các giải pháp thành hành động, danh mục nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể, có cơ quan đầu mối chủ trì, dự kiến thời gian thực hiện, kết quả, sản phẩm cụ thể, rõ ràng. Quá trình thực hiện với nhiệm vụ được giao.
Hai là, tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư trên tinh thần có tầm nhìn dài hạn vì sự phát triển chung của đất nước, vượt qua lợi ích cục bộ. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng, triển khai chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động; Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn và sắp xếp giai đoạn 2021-2025…
Ba là, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, khơi thông các điểm nghẽn, kích thích mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là hợp tác công - tư.
Với nguồn lực đầu tư nước ngoài (FDI), chúng ta cần chuyển đổi tư duy xúc tiến đầu tư, chủ động lựa chọn, thu hút, hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành chuỗi giá trị, sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Khẩn trương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài cho giai đoạn 2021-2030.
Bốn là, nỗ lực tham mưu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, phát huy vai trò mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Năm là, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo lập không gian phát triển thống nhất;
Tham mưu hoàn thiện, ban hành thể chế điều phối vùng và quy chế phối hợp, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết nội vùng, liên vùng.
Xây dựng văn bản cụ thể để triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương, sớm tạo ra các vùng động lực, cực tăng trưởng mới.
Sáu là, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội, tích cực thực hiện các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng để vừa duy trì được truyền thống nhân văn của ngành Kế hoạch và Đầu tư, vừa thấu hiểu hơn các đối tượng chính sách, gần gũi hơn với nhân dân, từ đó bảo đảm được sự hiệu quả, công bằng trong thiết kế, xây dựng và thực thi chính sách.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Hà Anh (ghi)