Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết tại hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cần thiết phải có các cơ chế, chính sách đặc thù
Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các nội dung về chủ trương và cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
![Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_35_51443111/f5a741c675889cd6c599.jpg)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội
Trình bày Tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/1/2025 để chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương triển khai, sớm đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ban Chỉ đạo đã họp Phiên thứ nhất ngày 15/1/2025 và Phiên thứ 2 ngày 4/2/2025 và thống nhất đưa vào vận hành trong năm 2030 để đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, Chính phủ nhận thấy cần thiết phải có các cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Văn bản số 893/VPCP-CN ngày 06/02/2025 của Văn phòng Chính phủ).
Trước mắt, để triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách chính…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu, đề nghị cho phép triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã thực hiện để ký kết Hiệp định liên Chính phủ/thỏa thuận về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu nhà nước để tài trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Hiệp định/thỏa thuận với đối tác khác, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Về lựa chọn nhà thầu: Đề nghị cho phép Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện dự án; cho phép áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và triển khai lựa chọn nhà thầu ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án…
Cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ
Về trình tự thực hiện, Chính phủ đề xuất cho phép thực hiện ngay các công việc trước khi phê duyệt dự án đầu tư gồm: Chủ đầu tư và đối tác thực hiện khảo sát, rà soát, cập nhật, hoàn thiện hồ sơ lập dự án đầu tư (FS), hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và các báo cáo chuyên ngành song song với quá trình đàm phán Hiệp định liên Chính phủ và đàm phán hợp đồng chìa khóa trao tay.
![Nhà máy điện hạt nhân - Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_35_51443111/fe3e4b5f7f11964fcf00.jpg)
Nhà máy điện hạt nhân - Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, thực hiện khảo sát, lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình chuẩn bị xây dựng; thực hiện khảo sát, lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình chính và các báo cáo chuyên ngành; thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ, xử lý chất độc hóa học.
Chính phủ cũng đề xuấtcho phép miễn thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các hạng mục liên quan đến Dự án và các dự án thành phần; cho phép tỉnh Ninh Thuận hàng năm…
Về các cơ chế chính sách khác sẽ được nghiên cứu cụ thể để tổng hợp, báo cáo trong hồ sơ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ xin báo cáo và kiến nghị Quốc hội xem xét đưa các nội dung nêu trên vào Nghị quyết để có cơ sở triển khai thực hiện.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đồng thời, cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ “Cho phép áp dụng các định mức, đơn giá trên cơ sở đàm phán với đối tác thực hiện dự án”vì đặc thù dự án điện hạt nhân không có yếu tố thị trường, trong khi quy định về đơn giá, định mức hiện nay không có nên việc áp dụng định mức, đơn giá phụ thuộc vào kết quả đàm phán với đối tác thực hiện dự án.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phương án tài chính và thu xếp vốn nhằm tăng cường nguồn lực của các Chủ đầu tư thực hiện dự án.