Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu giải pháp phát triển cơ giới hóa nông thôn

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả chính sách khuyến công để phục vụ cho mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đặt câu hỏi: Bộ Công Thương có giải pháp gì tạo điều kiện cho các địa phương thu hút các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chế biến nông lâm thủy sản, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng các chính sách ưu đãi?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của cơ giới hóa để nâng cao giá trị chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được khẳng định trong thực tế những năm vừa qua, nhất là từ khi đổi mới đến nay, chúng ta đã thu được nhiều kết quả trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều ngày 4/6 (Ảnh: Truyền hình Quốc hội)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều ngày 4/6 (Ảnh: Truyền hình Quốc hội)

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đầu tiên là tham mưu để ban hành Nghị định 32 thay thế Nghị định 68 về quản lý cụm công nghiệp để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Thứ hai, triển khai các chương trình ưu đãi, hỗ trợ để phát triển công nghiệp địa phương, các mô hình trình diễn và hỗ trợ công nghiệp nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, doanh nghiệp công nghiệp địa phương học tập để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ vào các khâu của quá trình sản xuất.

Thứ ba, triển khai các nhiệm vụ được giao trong chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình khuyến công quốc gia,...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, phát triển nông nghiệp, nông thôn nước nhà thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực:

Một là, cơ khí hóa nông nghiệp trên 90% máy xay xát lúa đánh bóng gạo và máy sấy là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, chế tạo, thậm chí được xuất khẩu đi nước ngoài.

Hai là, máy móc dây chuyền chế biến, bảo quản nông sản đã góp phần tăng giá trị nông sản bình quân từ 8-10%/năm.

Ba là, các cụm công nghiệp đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và việc làm ở khu vực nông thôn.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, công nghiệp phục vụ nông nghiệp vẫn tồn tại những hạn chế như: Vấn đề tích tụ đất đai cho nông nghiệp; sản phẩm đưa vào chế biến chưa đồng nhất do quy mô còn nhỏ và chất lượng không ổn định và đồng đều.

Ông Hà Sỹ Huân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Quốc hội)

Ông Hà Sỹ Huân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Quốc hội)

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả chính sách khuyến công để phục vụ cho mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo cơ sở để ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa nông nghiệp, tạo vùng nguyên liệu và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn.

Song song đó, chú trọng các khâu nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ mới vào các ngành công nghiệp thực phẩm để tạo ra các sản phẩm chế biến có giá trị cao, tập trung phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm nông nghiệp có lợi thế thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và điều chỉnh chính sách hỗ trợ xây dựng cơ chế hoạt động của các cụm công nghiệp đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy liên kết để hướng tới xây dựng các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp quy mô lớn.

Đối với những vùng sâu vùng xa, để thu hút đầu tư Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần phát triển vùng nguyên liệu. Để có vùng nguyên liệu, Bộ trưởng đề nghị cấp ủy chính quyền các địa phương, phải quy hoạch được vùng, vùng nuôi và phải áp dụng được những công nghệ mới trong các khâu của quá trình sản xuất để đảm bảo sản phẩm của xanh sạch đẹp, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp phải nắm bắt được tín hiệu thị trường, sản xuất và cung ứng ra thị trường những gì thị trường cần chứ không phải những cái mà mình có.

Đặc biệt, để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư và hưởng những cơ chế chính sách của nhà nước, địa phương cũng phải dành những nguồn lực như đất đai, hạ tầng để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất.

Ngoài ra, các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Công Thương phải nghiên cứu để tiếp tục rà soát để mà đề xuất sửa đổi bổ sung hoàn thiện những cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào những khu vực này.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-neu-giai-phap-phat-trien-co-gioi-hoa-nong-thon-324255.html