Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành điện khẩn trương tổng rà soát, triển khai hiệu quả công tác ứng phó bão số 3
Sáng 6/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) và các đơn vị thuộc Bộ về công tác ứng phó với bão số 3 Yagi.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơn bão số 3 dự báo sẽ đi vào đất liền với cường độ rất mạnh, tốc độ nhanh, khó dự báo, có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành điện nói chung và đặc biệt là công tác vận hành, điều độ và duy trì an toàn hệ thống điện nói riêng.
Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt
Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVN đã ban hành công điện để triển khai các công tác phòng, chống bão số 3. Đồng thời Tập đoàn đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các đơn vị thành viên của Tập đoàn nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, bao gồm Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Tổng Công ty điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Phát điện 1, 2, 3 (EVNGENCO 1, 2, 3) để rà soát, chuẩn bị công tác phòng, chống bão.
Lãnh đạo EVN và các Tổng công ty đã trực tiếp xuống địa bàn các tỉnh để kiểm tra công tác phòng, chống bão, lụt ở các tỉnh khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng của của bão số 3.
“Đến giờ phút này, các đơn vị của Tập đoàn đã chuẩn bị sẵn nguồn lực, trang thiết bị và thiết bị dự phòng, đảm bảo cho công tác xử lý, khắc phục ngay sự cố nếu có xảy ra”, ông Võ Quang Lâm cho biết.
Đối với công tác điều hành hệ thống điện, EVN cũng đã phối hợp với NSMO và các nhà mạng viễn thông như Viettel, VNPT sẵn sàng các đường truyền dự phòng để có thể khôi phục ngay hệ thống điều hành, điều độ.
Với tinh thần chuẩn bị cao nhất, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVN đã phối hợp sát sao với NSMO và các địa phương để sẵn sàng công tác ứng phó kịp thời.
Thông tin thêm, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết, ưu tiên hàng đầu trong ứng phó với bão số 3 Yagi lần này là đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.
Từ kinh nghiệm các năm trước, EVN đã làm việc với các đơn vị và chính quyền địa phương để đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống và sẵn sàng huy động vật tư, thiết bị không chỉ trong EVN mà cả từ các đơn vị khác nếu cần thiết.
Đối với vấn đề an toàn hồ đập, các thủy điện thuộc EVN hiện đang tuân thủ theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; các chỉ đạo của EVN và các hệ thống truyền tải điện và hệ thống phân phối điện.
“Chúng tôi cũng đang chuẩn bị phương án để trong và sau bão thì phải tái lập khoa học và an toàn. Điều này rất quan trọng, vì khi mà ngập nước, ngập úng rồi nếu cần phải tiêu úng thì cũng sẽ phải ưu tiên cấp điện sớm nhất”, Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh, đồng thời cho biết các cán bộ EVN hiện đều quán triệt việc trực 24/7, nếu có vấn đề gì khẩn cấp từ lãnh đạo đến các cán bộ phải vào cuộc ngay.
“EVN cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ, sẵn sàng đối mặt với cơn bão, tuyệt đối không chủ quan”.
Sẵn sàng các phương án dự phòng trong mọi tình huống phát sinh
Đại diện NSMO cho biết, với các thông tin dự báo về siêu bão Yagi, NSMO xác định chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ thông điện. Trong đó, có thể đường dây 500kV sẽ bị tách làm đôi, giống như một số trường hợp từng xảy ra khi bão lớn đổ bộ trước đây, mà đơn cử là năm 2015, đường dây 500kV tách làm đôi, mất thông tin liên lạc hệ thông. Do đó cần đề phòng, sẵn sàng phương án ứng phó, xử lý đối với việc vận hành hệ thống điện tách đôi. Mặt khác, cần sẵn sàng cho tình huống mất điện tại khu vực Đông Bắc Bộ do ảnh hưởng của bão lớn.
NSMO đã sớm có các văn bản, chỉ đạo ba trung tâm điều độ hệ thống điện miền sẵn sàng ứng phó; đồng thời ngay ngày 5/9 đã tổ chức họp khẩn cấp để quán triệt phương án ứng phó, phối hợp xử lý nhuần nhuyễn nhất không chỉ trong nội bộ NSMO mà còn với EVN và các đơn vị khác.
Về phương tiện vận hành, tại phòng điều khiển của NSMO, hiện đã trang bị dự phòng 4 điện thoại di động dung lượng lớn có thể đàm thoại tương đối lâu, sẵn sàng trong trường hợp có thể mất trực thông như từng xảy ra trong quá khứ.
NSMO cũng đã triển khai thử nghiệm chuyển phòng điều khiển từ tòa nhà trụ sở hiện nay sang tòa nhà bên cạnh, cho kết quả tốt, để đảm bảo sẵn sàng ứng phó nếu trụ sở chính có vấn đề gì xảy ra. Trong chiều nay (6/9), sẽ tiếp tục thử nghiệm việc chuyển cơ sở dữ liệu sang một cơ sở khác để đảm bảo cung cấp điện liên tục, thông suốt trong thời gian bão về.
Về tăng cường nhân lực ứng trực, NSMO đã chỉ đạo các phòng điều độ quốc gia, phòng điều độ miền Bắc và phòng vận hành hệ thống điện sẽ đảm bảo tăng thêm 2-3 nhân viên trực ca, lên 3-5 nhân viên từ đêm nay. Lãnh đạo NSMO, lãnh đạo các phòng cũng đến tham gia hỗ trợ điều hành, đảm bảo bố trí tương đối đầy đủ lực lượng hỗ trợ xử lý sự cố trong những trường hợp cần thiết. Đồng thời, NSMO đã giao Kỹ sư an toàn căn cứ tình hình thực tế huy động lực lượng xung kích PCTT&TKCN sẵn sàng ứng phó ảnh hưởng từ cơn bão đến trụ sở NSMO chính và dự phòng.
Ngoài ra, NSMO đã triển khai rà soát, chạy thử các phương án khởi động lại, chuyển chế độ hoạt động của hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo sẵn sàng hoạt động ổn định.
Trong thời gian chống bão, NSMO đã yêu cầu các đơn vị có phương án ứng phó về kĩ thuật, đồng thời gửi văn bản đến các đơn vị phát điện trong toàn bộ khu vực miền Bắc yêu cầu sẵn sàng ứng phó, đặc biệt chú ý đến hệ thống tự dùng nhà máy.
NSMO cũng lập phương thức vận hành để đảm bảo cho các đường dây cân bằng công suất, không ảnh hưởng lớn đến hệ thống. Rà soát phương án khởi động đen, khôi phục hệ thống điện miền Bắc.
Làm văn bản gửi các đơn vị Quản lý vận hành (NPT/NPC) đề nghị tái lập ca trực hoặc tăng cường ứng trực tối đa theo khả năng tại các trạm biến áp thao tác xa trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 3 để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện và xử lý sự cố do ảnh hưởng mưa bão.
Ông Trịnh Văn Thuận - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, cùng với EVN, các Tập đoàn, Tổng công ty ngành Công Thương cũng đã ban hành các công điện để chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó với bão số 3.
Trong thời gian này, theo Công điện và chỉ đạo của Bộ trưởng sáng nay, yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành Công Thương phải ứng trực 24/24 và chuẩn bị mọi nguồn lực theo đúng phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.
Khẩn trương tổng rà soát các phương án, phối hợp triển khai kế hoạch ứng phó hiệu quả
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để ứng phó với cơn bão số 3, tại các văn bản, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các đơn vị chức năng, các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng. Trong đó, EVN và NSMO có vai trò đặc biệt quan trọng để thực hiện được nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống điện.
Bộ trưởng bày tỏ sự đánh giá rất cao và hoan nghênh tinh thần chủ động, trách nhiệm của các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là hai đơn vị EVN và NSMO đã triển khai khá nghiêm túc và có được những phương án để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3.
Một lần nữa, Bộ trưởng nhấn mạnh Yagi là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh và diễn biến phức tạp. Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta từ tỉnh Quảng Ninh đến Nghệ An, Hà Tĩnh và có khả năng đạt cường độ kỷ lục trong nhiều năm qua.
Với tính chất như vậy, chắc chắn hoàn lưu của bão cũng sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn, như mưa to, sạt lở,…
“Tất cả những hiện tượng này, những vấn đề như vừa nêu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành điện của chúng ta, kể cả trong lĩnh vực nguồn, truyền tải cũng như điều độ, vận hành”, Bộ trưởng nói.
Để ứng phó với cơn bão số 3 một cách hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là EVN và NSMO, thực hiện một số yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 và Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Công điện số 6650/CĐ-BCT ngày 4/9/2024 và Công điện số 6751/CĐ-BCT ngày 6/9/2024. Chủ động chuẩn bị “4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - vật tư tại chỗ - hậu cần tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó một cách hiệu quả với cơn bão số 3 cả trong khi bão đổ bộ và đất liền cũng như hoàn lưu của bão.
Thứ hai, EVN, EVNNPT khẩn trương tổng rà soát và lên kế hoạch cụ thể cho việc huy động vật tư, thiết bị, phương tiện, điều kiện nhân lực để sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra ở bất cứ địa bàn nào, nhất là những địa bàn mà bão đổ bộ.
“Từ kinh nghiệm thời gian qua, chúng ta thấy dự phòng vật tư, phương tiện, thiết bị của EVN, EVNNPT chắc chắn phải được nâng lên, tránh để xảy ra sự cố gây gián đoạn không chỉ 1-2 giờ mà đến 1-2 ngày hay thậm chí cả tuần”, Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng cũng đề nghị EVN khẩn trương chỉ đạo điện lực các địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm an toàn cho hệ thống điện ở địa phương. Phải giữ được mối liên lạc và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp với điện lực địa phương triển khai các công tác phòng, chống bão một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, NSMO triển khai nghiêm túc kế hoạch và phương án phòng, chống bão đã được phê duyệt. Chỉ đạo các đơn vị cơ sở, ba trung tâm điều độ hệ thống điện miền A1, A2, A3 (nhất là những trung tâm, đơn vị chức năng nằm ở vùng bão và hoàn lưu của bão) duy trì chế độ trực vận hành linh hoạt, an toàn, ổn định hệ thống điện và đặc biệt là phải duy trì chế độ liên lạc với các đơn vị phát điện, bảo đảm trong mọi tình huống các đơn vị dứt khoát phải tuân thủ đúng theo mệnh lệnh điều độ và các quy định, cam kết nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống điện.
Đồng thời, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để đảm bảo vận hành khi các bộ phận, trung tâm phát sinh sự cố.
Thứ tư, NSMO và EVN, EVNNPT phải phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để sẵn sàng xử lý kịp thời, nhuần nhuyễn, hiệu quả những sự cố có thể xảy ra, như sự cố về nguồn của các nhà máy phát điện hay sự cố trên lưới truyền tải, đặc biệt chú ý đến các địa phương ven biển, các vùng hải đảo.
Thứ năm, duy trì nghiêm túc chế độ báo cáo 2 lần/ngày trong những ngày bão chưa đổ bộ hoặc đã đổ bộ vào đất liền. Báo cáo ngay với Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng khi có sự cố xảy ra để thông tin kịp thời và có biện pháp xử lý.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ như Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, các đơn vị có liên quan phối hợp tham mưu xử lý một cách kịp thời, nhanh nhất, giảm thiểu tác động của siêu bão số 3 Yagi.
Cũng trong sáng 6/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Công điện hỏa tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có khả năng chịu ảnh hưởng của bão số 3; các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Bộ; các chủ đập thủy điện, công trình dầu khí, công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.