Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phải coi công nghệ số như lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng

Trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thương mại điện tử sinh ra từ công nghệ số và cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ. Do đó, phải coi công nghệ số như lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng.

Sáng nay, 5.6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Không thể dùng sức người để quản lý thương mại điện tử

Tham gia trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về vai trò của công nghệ trong giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thương mại điện tử sinh ra từ công nghệ số, cho nên cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ.

Song thực tế vừa qua, chúng ta đầu tư chưa nhiều để phát triển các công vụ công nghệ số để thực thi quản lý nhà nước trên không gian mạng.

Nêu vấn đề này, tâm đắc với quan điểm "dùng công nghệ để quản lý công nghệ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phải coi công nghệ số như là một lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng.

Và để quản lý không gian mạng, thì cần thể chế số, công cụ số và con người số, tức là kỹ năng số cho người dân trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh. Vì vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể làm nhanh nhất, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Trên các sàn thương mại điện tử thường có hàng triệu sản phẩm và đi theo là hàng triệu quảng cáo, thì không thể dùng "sức người" để quản lý mà phải dùng công nghệ số, chuyển đến môi trường số. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng nêu rõ, phải tạo ra cơ hội để quản lý toàn diện, có thể giám sát, phát hiện sớm vấn đề, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, các giao dịch bất thường trên cơ sở dùng công nghệ hiện đại.

Ví dụ, có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo có dấu hiệu sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu là hàng nhái… Bên cạnh đó, các nền tảng số, sàn thương mại điện tử cũng có thể tự xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chậm đọc các tài khoản, các nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật, dựa trên các ảnh chụp vi phạm quảng cáo điển hình do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.

Việt Nam có thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc có thể viết được các phần mềm như vậy. Khẳng định lợi thế này, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ cùng với các doanh nghiệp công nghệ số có thể giúp Bộ Công Thương phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử; đồng thời, mong muốn, Quốc hội quan tâm tăng đầu tư cho việc phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử nói riêng và quản lý không gian mạng nói chung.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất của cá nhân

Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng cho rằng, phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của cá nhân. Bởi thực tế, việc nộp vào dữ liệu cá nhân, nhất là các dữ liệu xác định danh tính, như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ, hộp thư, ID, thông tin thẻ tín dụng…, thì "một người khác có thể nặc danh để hoạt động thay chúng ta và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết".

Ghi nhận thương mại điện tử thời gian qua đã phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập, lưu trữ và xử lý ngày càng nhiều, ngày càng lớn, Bộ trưởng cũng nêu rõ, kèm với đó là nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân ảnh hưởng đến thương mại điện tử và các lĩnh vực khác. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo đó, quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với ngành, lĩnh vực quản lý, tức là "ai quản lý cái gì trong đời thực thì lên không gian mạng quản lý cái đó". Và hiện nay, Chính phủ cũng đã có lộ trình để xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần bảo đảm an toàn cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; và các sàn thương mại điện tử sẽ phải tuân thủ Nghị định này.

Quang cảnh phiên chất vấn

Quang cảnh phiên chất vấn

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác về bảo đảm an toàn thông tin tại Chỉ thị số 09/CT-TTg về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Công điện số 33/CĐ-TTg về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng. Trong đó, thương mại điện tử được coi là lĩnh vực quan trọng cần tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Dẫn ra các văn bản nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, bảo vệ dữ liệu cá nhân là bảo vệ người dân và được coi là một trong những nội dung quan trọng; Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng nói chung và thương mại điện tử nói riêng.

Cụ thể, đã triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng; đánh giá, xác nhận website bảo đảm an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân và gán nhãn tín nhiệm cho trên 5.000 website chính thống và công bố các website lừa đảo. Phát triển thành công và đưa vào sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân, như: kiểm tra máy tính, điện thoại di động có bị nhiễm mã độc không, kiểm tra thông tin cá nhân có bị lộ lọt hay không… không trên cổng khonggianmang.vn.

Cùng với đó, Chiến dịch Tháng hành động tuyên truyền và nhận diện phòng, chống lừa đảo trực tuyến đã được phổ biến đến toàn xã hội, có sự tham gia của 100% bộ, ngành, địa phương và hầu hết các cơ quan thông tin báo chí, mạng xã hội. Hiện nay, đã có 21 tỷ lượt xem video tuyên truyền về nhận thức và kỹ năng số trên mạng xã hội từ gần 21 triệu người.

Đồng thời, đã xây dựng cẩm nang an toàn trực tuyến để hướng dẫn người dân kỹ năng an toàn thông tin khi tham gia không gian mạng thực hiện giao dịch trực tuyến. Bộ cũng đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, xử phạt các doanh nghiệp vi phạm.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để triển khai các công tác trên trong lĩnh vực thương mại điện tử.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bo-truong-nguyen-manh-hung-phai-coi-cong-nghe-so-nhu-luc-luong-quan-ly-co-ban-tren-khong-gian-mang-i374546/