Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam đủ năng lực xử lý vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới
Trước những lo ngại của đại biểu Quốc hội về sai phạm của các nền tảng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, nếu vi phạm có thể bị dừng toàn bộ hoạt động…
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề kiểm soát vi phạm trong hoạt động quảng cáo truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Mặc dù nguồn lực cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, nhưng nếu tất cả các bộ ngành, các địa phương đều tham gia xử lý quảng cáo trong lĩnh vực của mình, thì hiệu quả sẽ nhân lên nhiều lần, giúp giảm đi các quảng cáo sai sự thật.
Lãnh đạo ngành truyền thông khẳng định, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể yêu cầu các nền tảng số, các mạng xã hội, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới thực thi pháp luật Việt Nam.
“Nếu họ không tuân thủ, chúng ta có đủ điều kiện, kỹ thuật, hạ tầng để ngăn chặn, khiến các nền tảng này ngừng hoạt động. Một may mắn lớn là ở nước ta, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông nằm trong tay các doanh nghiệp Việt Nam, nên chúng ta có đủ năng lực để quản lý và xử lý các vấn đề trên không gian mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Về các giải pháp xử lý các hoạt động quảng cáo sai phạm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bên cạnh phạm vi quyền hạn của, lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành để hạn chế quảng cáo sai sự thật như: Bộ Y tế phải vào cuộc trong vấn đề quảng cáo sai sự thật đối với thuốc, thực phẩm chức năng. Bộ Công Thương phải vào cuộc để kiểm soát quảng cáo, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời nội dung chất vấn của đại biểu về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động theo luật pháp khác, không giống với hệ thống luật pháp của Việt Nam, do đó gây khó khăn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỉ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10-20% năm 2018 đến nay là tỉ lệ trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng, đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.
Hiện nay các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố…; đồng thời hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm. Đặc biệt nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng.
Khẳng định việc quản lý thông tin trên mạng xã hội là một thách thức chung của toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trước đây quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, nhưng mới đây đã có nghị định xử lý các nền tảng mạng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam.
Thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các mạng xã hội đã đóng thuế tại Việt Nam được hai năm rưỡi, đến nay, ngành thuế đã thu được khoảng trên 20.000 tỷ đồng từ hoạt động của các mạng xã hội, tăng khoảng 6 lần so với những năm trước, đây cũng là một dấu hiệu rất tích cực.