Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải trình về phát triển du lịch, bảo tồn di sản
Chiều 1/6, tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã làm rõ 2 nhóm vấn đề lớn được các đại biểu quan tâm.
Ngành Du lịch đã thấy được trách nhiệm khó khăn nhưng phải cố gắng để vượt qua
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và Nghị quyết số 8 của Bộ Chính trị đã xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Bộ trưởng, trước đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế như nhiều đại biểu Quốc hội đề cập và khi đại dịch tác động thì ngành Du lịch có thể nói là chịu nhiều thiệt thòi và tổn thất. Điều này không phải chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, con số được tính toán từ Hiệp hội Du lịch quốc tế cũng như du lịch Việt Nam đều đã chứng minh vấn đề này.
Tuy nhiên, khó khăn như vậy nhưng Đảng, Chính phủ, Quốc hội luôn luôn quan tâm đến ngành kinh tế này và đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ, giúp đỡ. Ví dụ như những chính sách được miễn, giảm tiền điện trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát nhằm giảm sức nặng cho các cơ sở lưu trú và giảm 80% tiền ký quỹ.
Các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành đã được giảm 50% phí trong việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Ngoài ra, Chính phủ còn hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng hướng dẫn viên làm công tác với con số là 3,7 triệu người để chia sẻ về những khó khăn.
Bên cạnh đó, các Nghị quyết của Quốc hội và các quyết định của Thủ tướng thì các cơ sở kinh doanh du lịch đều được hưởng các chính sách về an sinh xã hội, các chính sách về tín dụng hiện hành và đang có hiệu lực. Nhờ những quyết sách đó, cho nên ngành Du lịch cũng đã thấy được trách nhiệm của mình là khó khăn nhưng phải cố gắng để vượt qua.
Không có nguồn lực đầu tư nên nhiều di tích vẫn xuống cấp
Vấn đề thứ hai được các đại biểu quan tâm đến vấn đề về bảo tồn di sản, di tích, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đây là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, với khối lượng, số lượng di tích, di sản đã được công nhận, phân tích, điều tra, xử phạt thì đến nay trên cả nước là rất lớn. Chúng ta coi di sản như là báu vật mà thiên nhiên ban tặng từ lịch sử ngàn đời của cha ông ta hình thành và xây dựng. Vì vậy, phải có trách nhiệm để phát huy, bảo tồn và lan tỏa những giá trị đó. Chính vì vậy, giai đoạn 2015-2020, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch có chương trình mục tiêu về văn hóa. Tại thời điểm này, Quốc hội đã phân cho Bộ 245 tỷ đồng trong 5 năm để nâng cấp di tích.
Bộ đã phân khai cho các địa phương, bình quân một di tích có được đầu tư từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng. Với con số nêu trên thì quả thực là quá khó khăn cho công tác xuống cấp. Vì vậy, các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn. Tuy nhiên, đó là những địa phương có điều kiện, còn những địa phương không có điều kiện thì cũng không có nguồn lực đầu tư nào cho nên nhiều di tích vẫn xuống cấp.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong nhiệm kỳ này, chương trình mục tiêu đã kết thúc, Bộ Văn hóa không được phân bổ nguồn vốn. Chính vì vậy, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai Nghị quyết XIII, Bộ đã chính thức báo cáo và được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đồng ý cho phép nghiên cứu để xây dựng một chương trình chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó có nội dung về nâng cấp di tích, di sản.
"Vì thế, hiện nay, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, cân đối trình Quốc hội để có thể bố trí một khoản nào đó để điều tiết cho địa phương, để chồng xuống cấp. Việc chống xuống cấp di tích, di sản cũng được đưa Luật Di sản (sửa đổi). Khi Luật được sửa, chúng ta phải phân cấp rõ hơn, quy trách nhiệm rõ hơn đối với địa phương trong việc quản lý di tích, di sản." - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.