Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Ngành Hải quan phải vừa đơn giản hóa thủ tục, vừa tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại

Chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị trong thời gian tới, toàn ngành phải giải quyết được 'thách thức kép' là vừa đơn giản hóa thủ tục, vừa tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm hướng đến 'mục tiêu kép' là tạo thuận lợi thương mại ở mức tối đa, vừa bảo đảm an ninh quốc gia, chống thất thu ở mức cao nhất.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Trong năm 2024, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chủ động tích cực và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong triển khai nhiệm vụ, kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều điểm sáng nổi bật, thể chế tiếp tục được hoàn thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của nước ta ước đạt trên 780 tỷ USD. Có được kết quả này, phải kể đến sự đóng góp tích cực, chủ động của cán bộ, công chức Tổng cục Hải quan.

Tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Thắng được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Thắng được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết của ngành Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ công chức Tổng cục Hải quan trong triển khai nhiệm vụ năm 2024 với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, có thể kể đến một số điểm nhấn đáng chú ý như: công tác thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nói chung của Bộ Tài chính; công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt nhiều thành tích nổi bật.

Theo Bộ trưởng, Hải quan Việt Nam cũng rất chủ động, nỗ lực triển khai thực hiện công tác hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong ngành Hải quan; triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số và triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Các mặt công tác khác như: công tác thanh tra, công tác kiểm tra sau thông quan, công tác quản lý rủi ro, công tác nội ngành... được triển khai tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biểu dương ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm an toàn, ổn định nền kinh tế, góp phần vào công tác thu ngân sách cho quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biểu dương ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm an toàn, ổn định nền kinh tế, góp phần vào công tác thu ngân sách cho quốc gia.

Tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy, không để ngắt quãng công việc

Chỉ đạo các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu ngành Hải quan ưu tiên việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Kế hoạch phát triển hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 5 năm và hàng năm trong toàn ngành với mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới.

Về vấn đề tinh gọn bộ máy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, tinh thần mà Trung ương đặt ra là để đảm bảo các công việc vẫn được diễn ra suôn sẻ, còn bộ máy thì hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Trong quá trình sắp xếp không để gián đoạn các hoạt động. Các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng sẽ có những chính sách thỏa đáng. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu cho Ban Chỉ đạo.

Trong đó, tập trung nhiệm vụ chuyển đổi số, tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin của ngành Hải quan và nhiệm vụ hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.

Quan điểm của lãnh đạo Bộ Tài chính là triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng giảm thiểu tác động ở mức tối thiểu; duy trì một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có lộ trình sao cho vừa tinh giảm, vừa sắp xếp không tác động quá lớn.

Song hành với đó, người đứng đầu ngành Tài chính yêu cầu ngành Hải quan tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hải quan phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý; chủ động nắm bắt vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Đối với công tác thu, cơ quan Hải quan tiếp tục bám sát những nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết của Chính phủ và chương trình hành động của Bộ Tài chính; thực hiện tốt công tác quản lý thuế; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời, quyết liệt, chủ động trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là phòng chống ma túy.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, với vị trí, vai trò “người gác cửa nền kinh tế” hết sức quan trọng, ngành Hải quan đã có rất nhiều nỗ lực để bảo đảm an toàn, ổn định nền kinh tế, góp phần vào công tác thu ngân sách cho quốc gia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều diễn biến khó lường, đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức thì ngành Hải quan cần phải tập trung giải quyết thách thức kép là vừa đơn giản hóa thủ tục, vừa tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm hướng đến mục tiêu kép là tạo thuận lợi thương mại ở mức tối đa vừa bảo đảm an ninh quốc gia, chống thất thu ở mức cao nhất.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-truong-nguyen-van-thang-nganh-hai-quan-phai-vua-don-gian-hoa-thu-tuc-vua-tang-cuong-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-166513.html