Bộ trưởng Tài chính Anh từ chức chỉ sau 38 ngày tại nhiệm
Ngày 13-10, chỉ 37 ngày sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Kwasi Kwarteng đã được hỏi, liệu ông có ở lại làm việc dưới chính quyền của Thủ tướng Liz Truss hay không ? 'Chắc chắn 100%. Tôi chẳng đi đâu cả' - ông Kwarteng trả lời. Vậy mà chưa đầy 1 ngày sau, vị Bộ trưởng đã từ chức.
Trước đó, ông Kwarteng được chọn giữ vai trò quyền lực thứ hai trong Chính phủ Anh, ông được ví như kiến trúc sư trong kế hoạch phát triển của Thủ tướng Liz Truss. “Bạn đã yêu cầu tôi đứng sang một bên với tư cách là Thủ tướng, tôi đã chấp nhận” - ông Kwarteng viết trong một lá thư gửi bà Truss mà ông chia sẻ trên Twitter hôm 14-10. Sau khi ca ngợi “tầm nhìn lạc quan” của Thủ tướng Truss, ông Kwarteng viết thêm: “Chúng tôi đã là đồng nghiệp và bạn bè trong nhiều năm. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã thấy được sự tận tâm và quyết tâm của các bạn. Tôi tin rằng, tầm nhìn của bạn là đúng đắn. Thành công của bạn là thành công của đất nước này và tôi chúc bạn luôn khỏe” - bức thư kết luận.
Việc này khiến ông Kwarteng trở thành Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh tại vị ngắn thứ hai trong lịch sử. Người đảm nhiệm chức vụ này ngắn nhất là ông Iain Macleod, đột tử vì đau tim chỉ sau 30 ngày nhậm chức (năm 1970). Ông Kwarteng sẽ được thay thế bởi cựu Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Ông Hunt trở thành Bộ trưởng Tài chính thứ tư của Anh trong vòng 4 tháng, tiếp quản vị trí điều hành nền kinh tế vào thời điểm Ngân hàng Trung ương Anh đang dự báo về một cuộc suy thoái vào mùa đông năm nay. Chi phí sinh hoạt, đặc biệt là giá năng lượng, đang tăng vọt. Các công đoàn đang đình công và tỷ lệ vay nợ, thế chấp đang tăng lên.
Sự xuống dốc nhanh chóng của ông Kwarteng bắt đầu từ “Kế hoạch tăng trưởng” được đưa ra vào ngày 23-9. Đó là đề xuất cải cách chính sách kinh tế triệt để, bao gồm việc cắt giảm thuế lớn nhất của Vương quốc Anh trong 50 năm. Chính phủ đã bật mí phần gây tranh cãi nhất trong kế hoạch thuế của mình: Hạ mức thuế thu nhập hàng đầu mà những người Anh có thu nhập cao phải trả. Những người Anh có thu nhập trên 150.000 bảng Anh/năm phải trả mức thuế cao nhất là 45%, nhưng bà Truss muốn giảm tỷ lệ đó xuống 40% bắt đầu từ tháng 4-2023.
Bộ trưởng Kwarteng lập luận rằng, việc giảm thuế cho người giàu sẽ “thu hút những người giỏi nhất và sáng giá nhất vào lực lượng lao động của Vương quốc Anh, giúp các doanh nghiệp đổi mới và phát triển”. Nhưng điều đó đã gây sốc cho thị trường. Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng đô la và Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải thực hiện hành động khẩn cấp để bảo vệ các quỹ hưu trí. Ông Kwarteng được cho là sẽ ở lại Washington D.C để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhưng ông đã bay về London sớm 1 ngày khi cuộc khủng hoảng tiếp tục khiến nền kinh tế chao đảo.
Phóng viên báo chí Anh đã hỏi Thủ tướng Liz Truss rằng, tại sao bà lại sa thải Bộ trưởng Tài chính vì chương trình cắt giảm thuế làm náo loạn các thị trường, trong khi kế hoạch trên thực tế là của bà. Bà Truss thừa nhận rằng, rõ ràng là kế hoạch kinh tế của bà “đã đi xa hơn và nhanh hơn những gì thị trường mong đợi”. Bà giải thích: “Vì vậy, ngay bây giờ phải thay đổi và hành động để trấn an thị trường về chính sách tài chính của chúng tôi”.
Thủ tướng Anh Liz Truss trong quá trình vận động tranh cử đã đưa ra lời hứa táo bạo là thúc đẩy nền kinh tế nước này với việc cắt giảm thuế cho các tập đoàn và những người có thu nhập cao. Đến nay, thị trường và các thành viên trong đảng của Thủ tướng tự hỏi, làm sao có thể đồng thời cắt giảm thuế và duy trì các chương trình xã hội mà không cần vay nợ sâu? Trong cuộc họp báo về việc Bộ trưởng Tài chính từ chức, Thủ tướng Anh nhấn mạnh, mục tiêu của bà vẫn là biến nước Anh thành “nước có thuế thấp, lương cao, nền kinh tế tăng trưởng mạnh”, nhưng không đưa ra câu trả lời về việc làm thế nào để đạt được điều này. Mujtaba Rahman - một nhà phân tích tại Eurasia Group cho rằng, nhiều khả năng Thủ tướng Truss sẽ mất chức trước cuộc bầu cử tiếp theo, diễn ra muộn nhất vào tháng 1-2025.